MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tranh cãi xung quanh dự thảo quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên. Ảnh: Sông Hàn

Giới hạn giờ làm thêm của sinh viên là lợi bất cập hại

Sông Hàn LDO | 16/04/2024 17:29

Dự thảo về quy định thời gian làm thêm của sinh viên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ghi nhận từ thực tiễn các trường đào tạo ở miền Trung.

Dư luận vẫn chưa “hạ nhiệt”, tranh cãi trái chiều vẫn còn vì Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đang được lấy ý kiến phản biện có quy định “giới hạn giờ làm thêm của sinh viên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời Bộ cũng đề xuất các cơ sở giáo dục quản lý giờ làm thêm của sinh viên.

Thực tiễn, khá nhiều sinh viên có nhu cầu làm thêm để trang trải những khoản chi phí học tập, sinh hoạt, nhất là trong bối cảnh học phí tăng phi mã, điện tăng, xăng tăng… như hiện nay.

Có thể thấy ngay "ý tốt" của Dự thảo Luật này nhằm hướng sinh viên tập trung học tập.

Dưới góc nhìn của người thầy, ThS. Hoàng Ngọc Vĩnh – Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) bày tỏ ủng hộ quy định trong Dự thảo. Thầy Vĩnh cho rằng, phải giới hạn thấp hơn nữa, thay vì 20 giờ/tuần. Vì nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập và nghiên cứu khoa học, chuẩn bị cho sự nghiệp trong tương lai gần nhất của mình. Tuy vậy cần có nghiên cứu mang tính toàn diện, khách quan để luật đi vào được thực tiễn.

TS.BS Trần Bá Thoại – Giảng viên Cao cấp Trường Y Dược (Đại học Duy Tân - Đà Nẵng). Ảnh Sông Hàn

GS.BS Trần Bá Thoại – Giảng viên Cao cấp Trường Y Dược (Đại học Duy Tân - Đà Nẵng) cho rằng: “Đây là quy định không hợp lý, bởi vì lao động là vinh quang, không có công việc nào là xấu, mà chỉ có những bạn sinh viên không lo học tập, ăn chơi mới là xấu. Các em sinh viên đi làm thêm, ắt sẽ tự cân đối được thời gian, công việc học tập của mình”.

Phần lớn sinh viên xuất thân từ nông thôn theo học ở các trường Đại học, Cao đẳng đang phải chật vật với cuộc sống ở các thành phố lớn do vật giá leo thang. Do đó, chuyện làm thêm của sinh viên phải nói là “muôn hình vạn trạng”, từ quán cà phê, nhà hàng, quán bar, cho đến chạy Grab, shipper... Nếu giới hạn giờ làm thêm thì sinh viên không thể làm việc ở nhà hàng, quán cà phê, bi-da... bởi tại các điểm kinh doanh này thường duy trì từ 4 - 8 giờ/ca làm việc. Do đó, quy định này nếu có triển khai cũng sẽ gặp khó.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), đề xuất này có thể làm xáo trộn đến cuộc sống của nhiều sinh viên khi mà tôi biết có những em tự thân tự lập để lo chuyện ăn uống, sinh hoạt, đóng học phí. Nhìn rộng ra, mạng lưới an sinh xã hội của chúng ta chưa hoàn thiện, cơ chế cho vay trợ giúp sinh viên học tập còn hạn chế. Nếu có thêm quy định này thì sẽ có nhiều sinh viên không đủ khả năng theo đuổi việc học. Lợi bất cập hại là điều có thể dự báo.

ThS Trần Thanh Trình – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương Việt Nam (Đà Nẵng). Ảnh: Sông Hàn

ThS Trần Thanh Trình – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương Việt Nam (Đà Nẵng) thông tin thêm: “Quy chế đào tạo hiện này, đa số các trường Đại học, Cao đẳng đều thực hiện theo quy chế tín chỉ và sinh viên sẽ chủ động trong việc đăng ký tín chỉ. Vì thế, sẽ có sinh viên hệ Đại học học 3-3,5 năm, hệ cao đẳng 1,5-2 năm là sinh viên có thể đã hoàn tất chương trình, nhưng sinh viên cũng có thể hoàn tất chương trình học tối đa đến 8 năm (tùy theo hệ đào tạo). Do đó, nếu nói về quản lý giờ làm thêm, ngoài giờ của sinh viên với lý do ‘để không ảnh hưởng việc học – đây thật sự là bài toán đau đầu của cơ sở giáo dục. Quy định này chưa đủ căn cứ, chưa thuyết phục”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn