MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: NĐ

Giới hạn nào cho “vùng cấm”?

Đỗ Thu Vân LDO | 12/11/2017 13:30
Chồng Linh bất ngờ bị tai nạn, phải mổ và nằm viện một thời gian. Trước ca mổ, anh cho cô password điện thoại để thay anh trả lời những email gấp liên quan đến công việc, chủ yếu thông báo cho mọi người biết anh sẽ vắng mặt khá lâu.

Trước giờ, Linh ít chạm tới điện thoại của chồng, trừ vài lần để gọi khi máy Linh hết pin. Trong lúc trả lời giùm email của chồng trên điện thoại, Linh vô tình phát hiện vô số tin nhắn chát qua phần mềm skype giữa chồng và một cô gái trẻ khá xinh từ công ty đối tác. Những đoạn trao đổi cho thấy mối quan hệ giữa họ đã diễn ra khá lâu và không đơn thuần là quan hệ công việc. Họ thậm chí từng hẹn nhau đi chơi.

Lần ra số điện thoại trên phần thông tin của cô kia, Linh nhận ra đó chính là tác giả của những cuộc gọi kể từ hôm chồng Linh bị tai nạn được lưu dưới một cái tên đàn ông trong điện thoại của chồng. Có lẽ vì bị tai nạn đột ngột, anh chưa kịp thông báo cho cô ta.

Thế nên, mỗi khi gọi đến nghe Linh trả lời, giọng cô ta có vẻ ngập ngừng, thậm chí có lúc cuống cuồng thế nào còn bảo gọi nhầm số. Nhưng khi Linh gọi lại, nghe giọng Linh là cô ta cúp máy. Nhắn tin cho cô ta hay, cô ta im thin thít chẳng trả lời.

Đợi chồng hồi phục hoàn toàn, Linh hỏi thẳng chồng, đồng thời đưa ra ảnh chụp màn hình chát của hai người mà Linh đã cẩn thận chụp lại phòng khi anh chối. Phản ứng đầu tiên là anh giận dữ mắng cô sao dám lục lọi điện thoại làm ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn của anh. Rằng cô đã sai khi xâm phạm tự do cá nhân của anh và có lời lẽ thiếu kiềm chế với người đang giao dịch công tác với anh.

Chưa hết sốc vì cảm giác bị phản bội, Linh như rơi xuống vực khi chồng có vẻ lật ngược thế cờ để kết tội cô. Chẳng phải nói gở, chứ nếu chồng không bị tai nạn, chắc gì Linh biết được mình đang bị lừa dối bấy lâu nay?

Nghe Linh rấm rức kể, tôi chợt nhớ những bài viết khuyên phụ nữ chớ chạm vào điện thoại của chồng nếu muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình! Những lời khuyên kiểu này thực ra chỉ đúng với những người tự trọng, biết tôn trọng bạn đời và cuộc hôn nhân mà họ cùng nhau xây đắp nhưng lại vô tình “nối giáo” cho những kẻ thích hoa thơm cỏ lạ bên ngoài cánh cửa gia đình mà chiếc điện thoại, trong tình huống này, lại là công cụ đắc lực tiếp tay cho sự tham lam của họ.

Nhiều người viện lẽ phải tôn trọng tự do cá nhân này nọ rồi lên án những ai táy máy, tọc mạch, thậm chí viện cả luật để cho đó là sự xâm phạm đời tư khi kiểm tra, lục lọi vật dụng cá nhân của người khác nhưng nếu chỉ sống với nhau bằng niềm tin liệu có an tâm?

Những phụ nữ tỉnh táo vẫn nhắc nhau đừng tin vào sự chung thủy của các ông khi đàn ông được cho là sinh vật sống bản năng hơn lý trí, thậm chí ai đó từng nói: "Đàn ông không ngoại tình chẳng qua vì chưa có cơ hội".

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ chọn kế sách “mắt không thấy, tim không đau” để tránh xa chiếc điện thoại của chồng như một vùng cấm bất khả xâm phạm họ tự vẽ ra cho mình mà quên rằng bất cứ vùng cấm nào cũng có giới hạn của nó.

Biết bao người đang tự tin rằng mình khôn ngoan, hay chỉ đang tự huyễn hoặc rằng mình vẫn hạnh phúc với sự lựa chọn ấy để có thể sống yên ổn đến cuối đời? Hay một ngày đẹp trời nào đó mới vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay ta bị lừa mà cứ tưởng mình hay?

Câu hỏi e chẳng khó, bởi có lẽ hầu hết chị em đều đã thuộc câu trả lời!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn