MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mai Chi thường tranh thủ thời gian rảnh để tìm mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Cam Ly.

Giới trẻ loay hoay tìm cách khắc phục thói quen chi tiêu không kiểm soát

Cam Ly LDO | 05/07/2023 07:22

Cuộc sống hiện đại cùng những nhu cầu vật chất ngày một tăng cao khiến không ít bạn trẻ thường xuyên gặp các vấn đề tài chính do quản lý tiền bạc sai cách. Nhận thấy cách chi tiêu có vấn đề, phần lớn họ vẫn loay hoay tìm cách khắc phục.

Chia sẻ về thói quen chi tiêu mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân, đồ trang điểm, vật dụng gia đình, Kim Hồng (sinh năm 2003, ở Hoà Bình) thường chỉ vì thích hoặc thấy bắt mắt sẽ ngay lập tức chi tiền. Đã có những lúc bạn trẻ này không thể kiểm soát được việc chi tiêu của mình.

“Tôi đã không ít lần lâm vào tình trạng “cháy túi”, vỡ kế hoạch chi tiêu. Sẽ có những ngày phát sinh như tiệc sinh nhật bạn bè, thăm hỏi người ốm… Không chỉ vậy, những lúc ham mua sắm, lướt mạng xã hội thấy gì hay tôi cũng sẽ đặt mua liền không hề suy nghĩ về tính ứng dụng của đồ vật" - Kim Hồng chia sẻ.

Trung bình mỗi lần mua sắm Kim Hồng sẽ chi khoảng 500-600 ngàn đồng, chủ yếu là cho quần áo. Ngoài ra còn có đồ trang điểm, sản phẩm dưỡng da cũng là vật phẩm mà Kim Hồng thường mạnh dạn chi tiêu để phục vụ mục đích chăm chút vẻ bề ngoài. Tuy vậy không phải món đồ nào cũng được đem ra sử dụng, không ít chỉ thỏa mãn sự hào hứng nhất thời.

Hồng cho hay: “Khi hàng về thì rất hào hứng nhưng có khi chỉ lúc sau hoặc mấy ngày sau tôi lại cảm thấy không phù hợp nữa và bỏ xó không ngó ngàng tới. Vì thế có những món đồ rất vô nghĩa và tốn tiền”.

Theo Kim Hồng, nguyên nhân khiến giới trẻ ngày càng có xu hướng chi tiêu không kiểm soát là vì đời sống, nhu cầu vật chất tăng cao cùng với sự ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội, các KOL review (người có ảnh hưởng đánh giá) về những sản phẩm trên thị trường khiến giới trẻ hào hứng và muốn sở hữu ngay lập tức.

Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử cũng ngày càng phát triển với các chương trình siêu ưu đãi hàng tháng để kích cầu tiêu dùng. Song, nó lại khiến giới trẻ dễ dàng sa đà vào việc mua sắm, tiêu tiền không kiểm soát, hết sạch tiền chỉ sau một đêm “săn sale”.

Mai Chi (sinh năm 1999, ở Hà Nội) cho biết: “Không phải đợt sale nào tôi cũng săn, nhưng căn bản là những đợt đó chưa tới ngày nhận lương. Nếu có lương mà đúng đợt sale thì chắc chắn tôi không thể bỏ lỡ".

Bạn trẻ này thường chi tiền cho những mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, ăn uống,... Dù đã có công việc làm thêm với mức lương ổn định nhưng Mai Chi chia sẻ nhiều khi bản thân vẫn không quản lý được mức chi tiêu của mình.

Mai Chi cho rằng, việc chi tiêu hợp lý hay không phụ thuộc vào kinh tế, thu nhập của mỗi người. Với Mai Chi, mức chi hợp lý rơi vào khoảng 70% thu nhập hàng tháng cho tất cả những nhu cầu căn bản như ăn uống, xăng xe,... chứ không chỉ dành riêng cho mua sắm.

Cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, Mai Chi đã không ít lần chi tiêu vượt quá giới hạn: “Có những tháng vừa nhận lương xong nhưng vì không tính toán số tiền cần chi cho các nhu cầu sinh hoạt căn bản nên tôi đã lỡ chốt đơn hơi nhiều. Một số đơn nghĩ lại thấy không cần thiết nhưng vì đã chuẩn bị hàng nên không huỷ được, tới khi nhận xong cũng không biết dùng làm gì".

Không chỉ vậy, cô bạn còn có thói quen làm việc tại quán cafe, mỗi lần tốn khoảng 40 - 60 ngàn đồng. Có những tuần Mai Chi ra quán làm việc đủ 7 ngày. Chỉ vài chục nghìn 1 lần nhưng khi cộng tổng lại, con số lại khiến Mai Chi phải suy nghĩ về cách quản lý chi tiêu.

Mai Chi cho biết đã thử nhiều phương pháp tiết kiệm, sử dụng ứng dụng kiểm soát chi tiêu, gửi tiền online,... song đều chỉ được một thời gian ngắn.

Cô gái trẻ nhận thấy đa phần các bạn trẻ đều chưa có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Một số bộ phận chạy theo xu hướng thời trang dẫn đến mua quá nhiều đồ, "tặc lưỡi" ăn một bữa ăn đắt tiền,... chung quy là chiều chuộng bản thân trước.

Giới trẻ loay hoay tìm cách khắc phục thói quen chi tiêu không kiểm soát, bạn nghĩ sao về vấn đề này? Xin gửi mail về toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn