MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giúp trẻ đến trường nhìn từ "con dê khuyến học"

Thanh Hải LDO | 06/10/2021 18:00

Trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa luôn có nguy cơ bỏ học là câu chuyện muôn thuở. Nhà nước đã chi rất nhiều tiền để hỗ trợ các em đến trường. Tuy nhiên đó vẫn chưa có một giải pháp hiệu quả, bền vững, mà cần có sự hỗ trợ linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng hoàn cảnh...

Vừa vào năm học mới 2021-2022 thì đã có ngay hàng ngàn học sinh vùng sâu vùng xa ở 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum được cảnh báo nguy cơ bỏ học. Nguyên nhân được cho rằng các em vừa bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú.

Chế độ hỗ trợ bán trú là chính sách xã hội rất nhân đạo của Nhà nước, giúp đỡ hầu hết học sinh miền núi, hải đảo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng giúp bằng tiền mặt và gạo. Theo Nghị định 116 (năm 2016) của Chính phủ, các học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ này gần như được ăn, ở miễn phí tại các trường dân tộc nội trú, các địa phương khó khăn duy trì được sỉ số học sinh đến trường. Tuy nhiên, khi nhiều địa phương như ở Gia Lai, Kon Tum vừa đạt tiêu chí "xã nông thôn mới", thì con em của người dân sẽ không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ bán trú nữa.

Thực tế, rất nhiều hộ dân vẫn còn nghèo, chưa đủ ăn. Với nhiều học sinh vùng khó khăn, cắt chế độ hỗ trợ là đồng nghĩa với việc bỏ học. Vì vậy, ngành giáo dục 2 tỉnh này đang loay hoay tìm cách kiếm nguồn kinh phí bù đắp, nâng bước các em đến trường. Tuy nhiên, việc kêu gọi nhân đạo hoặc hỗ trợ từ các mạnh thường quân không phải là giải pháp lâu dài, cho nhiều thế hệ học sinh miền núi được.

Trong khi đó, câu chuyện "con dê khuyến học" ở Đắk Lắk lại cho thấy có một phương thức giúp học trò nghèo miền núi rất hiệu quả.

Tháng 3.2020, cháu Bàn Minh Kiệt, Trường Trung học cơ sở Ngô Mây được Hội đồng đội huyện Cư M'gar tặng 3 con dê giống. Một năm sau, nhà Kiệt đã có đàn dê 13 con, trị giá gần 100 triệu đồng. Ông Lý Văn Chòi, bố Kiệt cho biết, nhận dê giống, gia đình vui hơn là nhận được vài triệu đồng tiền mặt khuyến học.  

Tương tự, cháu Đặng Viết Mạnh, Trường trung học cơ sở Ngô Mây, xã Ea M'Droh cũng đã được trao tặng một cặp dê giống vào tháng 5.2020, nay gia đình cháu đã có 10 con. Mạnh nói, "Chăn nuôi dê rất đơn giản, những lúc rảnh rỗi,  con đã phụ giúp bố mẹ ra vườn hái lá, cắt cỏ cho dê ăn. Con rất vui khi đàn dê đang ngày càng đẻ nhiều hơn. Bố mẹ bán bớt để đóng học phí cho 4 chị em và trang trải thêm cho cuộc sống.

Mô hình "dê khuyến học" ở huyện Cư M'gar, Đắk Lắk tuy chỉ mới giúp được 10 hộ, nhưng hiệu quả rất rõ ràng, đang được nhân rộng tại đây.

"Con dê khuyến học" là câu chuyện điển hình để khẳng định quan điểm đúng đắn xưa nay là "giúp cần câu bao giờ cũng hiệu quả hơn cho con cá". Nhà nước có thể chi tiền, lo gạo, nhưng không nên rót đều để rồi người dân quá ỉ lại, trông chờ. Khi cắt chế độ vì một lý do nào đó thì mọi việc trở lại như cũ. Tùy thực tiễn ở cơ sở, điều kiện của từng vùng, hoàn cảnh của từng gia đình, các địa phương nên linh hoạt và sáng tạo trong cách giúp đỡ. Có biến tiền hỗ trợ này thành các sản phẩm cho tặng là con, cây giống kiểu "con dê khuyến học" này thì sẽ 1 mũi tên trúng nhiều đích: Người nghèo cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và trẻ con được nuôi lớn giấc mơ đèn sách. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn