MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gỗ về nhà chủ tịch huyện, dù hợp pháp thì rừng vẫn chảy máu

Thanh Hải LDO | 29/06/2021 17:23

Hiện trường đốn hạ gỗ Dổi giữa rừng Kbang, tỉnh Gia Lai chỉ do báo chí phát hiện, phản ánh. Khi lực lượng Kiểm lâm bắt xe đang chở gỗ Dổi ở đây, doanh nghiệp trưng hồ sơ mua gỗ từ TP.Đà Nẵng. Còn gỗ đang được chở về nhà mình thì Chủ tịch UBND huyện Kbang nói là mua từ nơi khác...

Lần theo nguồn tin từ dân, ngày 26.6, một nhóm phóng viên tại Gia Lai đã đột nhập vào Tiểu khu 25, thuộc Lâm phần Công ty TNHH MTV Đắkrong huyện Kbang, Gia Lai, phát hiện rừng gỗ Dổi bị triệt hạ, trơ gốc. Hàng loạt cây Dổi cổ thụ vừa bị đốn hạ, vết cưa còn tươi mới. Nhưng cũng chỉ còn một ít gỗ bìa, nhánh và vài phách mà lâm tặc còn chưa kịp mang ra khỏi rừng.

Điều lạ là chủ rừng - ông Nguyễn Minh Sự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắkrong - ở ngay tại chỗ thì không hề hay biết. Khi phóng viên trưng ra hình ảnh, chất vấn, ông Sự tỏ ra bất ngờ, phân bua: “Người dân có nhu cầu làm nhà nên vào rừng đốn gỗ trái phép. Một số đối tượng lợi dụng việc khai thác này để mua bán”...

Vụ việc đang quá trình kiểm đếm, điều tra, truy tìm thủ phạm.

Nhưng đáng nói là trước đó, ngày 20.6, tại con suối gần hiện trường vụ đốn hạ gỗ Dổi này, đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Kiểm lâm huyện Kbang bắt quả tang ôtô 81C-177.40 đang chở 21m3 gỗ Dổi tươi rói ra khỏi rừng.

Chủ xe gỗ Dổi này - ông Hồ Ngọc Dao, doanh nghiệp tư nhân Giao Trang - hôm sau trưng ra hồ sơ, hóa đơn để "chứng minh" gỗ Dổi này được mua tận TP.Đà Nẵng. Hóa đơn cũng cho thấy, số gỗ mua 152m3 ở Đà Nẵng, bán lại 21m3 cho 1 doanh nghiệp khác ở Quảng Ngãi.

Nhưng ông chủ của Công ty Giao Trang không thể giải thích được vì sao gỗ mua ở TP.Đà Nẵng, bán đến tỉnh liền kề Quảng Ngãi, vì sao lại ngược lên Tây Nguyên - xa hơn 400km, đến tận rừng Kbang, sát với hiện trường vụ đốn hạ gỗ Dổi chưa bị phát hiện điều tra này? Vì vậy, xe gỗ Dổi này bị tạm giữ để điều tra tính xác thực của hồ sơ.

Nhưng ly kỳ hơn là cùng thời điểm này, người dân phát hiện hàng chục m3 gỗ Dổi khác được chuyển về nhà Chủ tịch UBND huyện Kbang - ông Nguyễn Văn Dũng.

Ngày 29.6, trao đổi với báo Lao Động, Chủ tịch Dũng cho biết, đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra vụ vận chuyển gỗ Dổi mang đi bán. Còn thông tin dư luận đang xôn xao về việc một số xe đưa gỗ Dổi về nhà mình là không đúng.

Ông Dũng giải thích: “Con trai của tôi đang xây nhà. Gỗ mua là Căm xe (loại gỗ tốt, thuộc nhóm II) hơn chục khối của doanh nghiệp kinh doanh gỗ ở huyện Đức Cơ, có hóa đơn rõ ràng. Rừng Kbang hiện không còn loại gỗ đó”...

Ông Dũng khẳng định, cả chục m3 gỗ gia đình mình mua là Căm xe, có hồ sơ hợp pháp chứ không phải gỗ Dổi ở rừng Kbang. Nhưng ông Chủ tịch huyện này lại không trưng hóa đơn gỗ mua bán như ông Dao.

Từ cổ chí kim, dân gian đã răn dạy một triết lý để người chính trực, nhất là công bộc của dân cần tránh thị phi, rằng “Đi ngang ruộng dưa thì đừng cột dây giày. Đứng dưới gốc mận đừng sửa mũ”.

Nguồn gốc của gỗ và tính hợp pháp của những hồ sơ mua bán của cả doanh nghiệp Giao Trang lẫn ông Chủ tịch huyện Kbang đúng đến đâu thì phải chờ kiểm tra, điều tra của kiểm lâm, công an. Nhưng có sẵn một thực tế là gỗ đã bị đốn hạ, rừng Gia Lai đang chảy máu.

Việc chủ rừng - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắkrong - không hay biết Dổi bị đốn hạ ngay lâm phận mình quản lý và nhà chủ tịch huyện này đang chở cả chục m3 gỗ về xây dựng... trong bối cảnh rừng đang bị tấn công, rõ ràng là các vị đang "sửa mũ dưới gốc mận, cột dây giày giữa ruộng dưa" mất rồi. Người dân nghi ngờ, dư luận đồn thổi, thị phi là điều các vị khó tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn