MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồi 9h ngày 2.4.2023, UBND phường Bãi Cháy đã kiểm tra điểm giết mổ tự phát tại khu vực tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long. Ảnh: Diệu Hoàng

Hạ Long: Thiếu quỹ đất cho các cơ sở giết mổ tập trung

Diệu Hoàng LDO | 03/04/2023 17:45

Quảng Ninh – Như Lao Động phản ánh, một cơ sở giết mổ gia súc không phép đã hoạt động hàng chục năm trên địa bàn phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long rồi sau đó biến thành chợ đầu mối lớn cung cấp hàng trăm con lợn mỗi ngày. Hiện chính quyền địa phương đã làm việc và yêu cầu cơ sở dừng hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân sự việc trên một phần do cung không đủ cầu - khi địa phương đang thiếu trầm trọng các khu giết mổ tập trung được cấp phép. 

Trước đó, đại diện UBND phường Bãi Cháy cho biết, hồi 9h ngày 2.4.2023, đoàn công tác của phường đã tiến hành kiểm tra và xác định: Tại khu vực tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, hộ kinh doanh bà B.T.H đang tiến hành tổ chức giết mổ lợn. Tổng số lợn hiện có trong chuồng chờ giết mổ là 50 con.

UBND phường Bãi Cháy đã yêu cầu bà B.T.H cung cấp các hồ sơ giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh, giấy phép an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, môi trường…

Tuy nhiên, bà H. không cung cấp được. UBND phường Bãi Cháy đã làm việc, lập biên bản, yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động, xử lý vệ sinh môi trường trước 15h30 ngày 2.4.2023.

Cơ sở giết mổ tự phát đã dừng hoạt động, đang tiến hành xử lý vệ sinh môi trường. Ảnh: UBND phường Bãi Cháy cung cấp

Tại buổi làm việc, chủ cơ sở cũng giải trình: "Hiện khu vực miền Tây của TP.Hạ Long chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Do vậy, các hộ buôn bán lợn tập trung đến cơ sở của tôi để giết mổ. Tôi hoàn toàn chấp hành chủ trương dừng hoạt động của cơ sở giết mổ lợn hiện nay. Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cho phép cơ sở của tôi hoạt động thêm 15 ngày để có thời gian thông báo tới các hộ tiểu thương tự bố trí khu vực giết mổ. Tôi đề nghị UBND TP quy hoạch khu giết mổ khu vực phía Tây và hướng dẫn các bước để gia đình thực hiện theo quy định".

Sau buổi làm việc, cơ sở này đã tuân thủ, rắc vôi khử khuẩn, tổng dọn vệ sinh toàn bộ khu vực giết mổ.

Ý kiến của bà B.T.H cũng có nhiều nét tương đồng với các tiểu thương bán thịt lợn trên địa bàn.

Anh N.V.Q – tiểu thương chợ Ba Lan, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long bày tỏ: “Cơ sở này đã hoạt động hàng chục năm nay. Việc đóng cửa cơ sở đang khiến nhiều tiểu thương bán thịt trên địa bàn thành phố rơi vào cảnh khó khăn. Nếu cho dừng cơ sở này, chúng tôi không thể tìm được cơ sở khác thì đương nhiên sẽ quay lại tình trạng giết mổ tại nhà. Mà việc này thì bị địa phương cấm. Tôi mong là thành phố cũng như tỉnh Quảng Ninh sớm gỡ khó cho chúng tôi hoạt động”.

Theo rà soát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, trên địa bàn thành phố Hạ Long hiện có có 2 cơ sở giết mổ lợn tập trung được phép hoạt động, 26 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ tự phát không có sự kiểm soát giết mổ.

Vận chuyển thịt lợn đến điểm tiêu thụ không che đậy.

Ông Trần Xuân Đông – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh khẳng định: “Cái khó của việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung chủ yếu là do không có quỹ đất và sự chồng chéo trong vai trò giữa các ngành quản lý. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm dịch viên quá mỏng. Lương chi trả cho đội ngũ này phụ thuộc vào số tiền thu được từ kiểm dịch (1.000 đồng/con lợn) và kiểm tra vệ sinh thú y (7.000 đồng/con), nên chỉ các cơ sở giết mổ tập trung mới được bố trí nhân viên thú y kiểm soát từ khâu tiếp nhận lợn đến quá trình giết mổ, xuất thịt đi các chợ. Còn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát chưa kiểm soát được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn