MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lê Thị Sáu trao đổi sự việc với phóng viên. Ảnh: Bảo Hân

Hà Nam: Một trường hợp bị thu hồi trợ cấp sau 19 năm

Bảo Hân LDO | 30/10/2020 06:51
Được hưởng trợ cấp con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suốt 19 năm, cuối năm 2019, chị Lê Thị Sáu (xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) bị đình chỉ chế độ trợ cấp này và buộc phải nộp số tiền 97.257.000 đồng trong suốt thời gian trên.

Nhận trợ cấp 19 năm rồi bị thu hồi

Phản ánh tới Báo Lao Động, chị Sáu cho biết, theo Quyết định số 247 ngày 25.6.2001 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Hà Nam, chị được hưởng chế độ chính sách trợ cấp cho người thương tật từ ngày 1.4.2001. Thời gian đầu, chị được hưởng 48.000 đồng/tháng; từ ngày 1.7.2019 đến ngày 30.9.2019 là 974.000 đồng.

Sau 19 năm được hưởng chế độ trợ cấp, đến ngày 10.10.2019, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam có Quyết định số 2041/QĐ-LĐTBXH-NCC đình chỉ trợ cấp con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đối với chị Sáu. Lý do là bà Trần Thị Xuyến - mẹ của chị Sáu - không có giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động công tác trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hoá học. Sở yêu cầu Phòng LĐTBXH huyện Thanh Liêm thu hồi số tiền trợ cấp đã cấp cho chị Sáu từ khi bắt đầu được hưởng đến ngày 30.9.2019 là 97.257.000 đồng, nộp về ngân sách nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nam - cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Bộ LĐTBXH, năm 2019, Thanh tra Sở LĐTBXH đã tiến hành thanh tra việc chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người nhiễm hoá học trên địa bàn của tỉnh. Chị Sáu là một trong những trường hợp bị đình chỉ hưởng chế độ sau khi thanh tra.

Ông Đặng Xuân Hải cho biết thêm, ban đầu, trường hợp của chị Sáu được giải quyết theo Quyết định 26 ngày 23.2.2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Thời điểm trên, chị Sáu thuộc đối tượng bảo trợ, đến năm 2005 thì chuyển sang đối tượng người có công.

Hồ sơ của chị Sáu được bà Ngô Thị Thuý Hằng - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH - cung cấp trong buổi làm việc với phóng viên, gồm: Bản kê khai của mẹ chị ký, giấy xác nhận của Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm về tình trạng dị dạng dị tật của chị Sáu, biên bản xác nhận của Hội đồng xét duyệt UBND xã Liêm Túc, Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong (không rõ địa bàn hoạt động).

Bà Hằng nói rằng, về tình trạng dị dạng dị tật thì chị Sáu vẫn đủ điều kiện, tuy nhiên, không có giấy tờ chứng minh thời gian công tác trong vùng Mỹ sử dụng chất độc da cam.

Ông Đặng Xuân Hải cho rằng, hồ sơ của chị Sáu thời điểm lập để hưởng theo chế độ bảo trợ xã hội chưa được chặt chẽ, căn cứ vào kê khai là chính. Trong khi đó, hồ sơ không thể hiện rõ là phải gồm giấy tờ chứng minh ở trong vùng hoá học như sau này. Nếu trong thời gian đình chỉ trợ cấp, gia đình vẫn cung cấp được giấy tờ chứng minh và có đơn xin khôi phục, lãnh đạo sở sẽ xem xét, có căn cứ thì vẫn khôi phục lại chế độ cho chị Sáu.

Mong được hưởng lại trợ cấp

Ngay từ khi sinh ra, chị Sáu bị mất bàn tay phải, gặp vô vàn khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống. Trước đây, khi bố mẹ còn sống, chị ở cùng, khi bố mẹ mất (cùng vào năm 2011), chị lên TP.Hà Nội để bán hàng rong kiếm sống, thuê trọ một mình.

Chị Sáu chia sẻ, khi nhận được thông báo thu hồi, chị rất lo lắng. Tiền bán hàng rong chỉ đủ để chị trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu, bây giờ nếu không có khoản tiền trợ cấp gần 1 triệu đồng/tháng, cuộc sống chị sẽ khó khăn gấp bội. Chị Sáu cũng lo về già, nếu không có khoản tiền trợ cấp thì không biết dựa vào đâu. Chưa kể, nếu không thuộc đối tượng trợ cấp này, chị cũng không có thẻ bảo hiểm y tế. “Nếu tôi phải trả lại hơn 97 triệu đồng thì không biết lấy tiền đâu để trả”- chị Sáu lo lắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn