MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi làm việc của công nhân thuỷ nông Hà Nội. Ảnh: Huyên Vương

Hà Nội: 3.500 công nhân thuỷ nông lại bị chậm lương

Trần Tuấn LDO | 11/04/2020 07:46
Khoảng 3.500 công nhân thuỷ nông của 4 công ty thủy lợi tại Hà Nội lại đang bị “treo” lương từ đầu năm đến nay.

Hệ thống thủy lợi của TP.Hà Nội gồm có 2.214 trạm bơm, 513 đập, hồ chứa, hơn 35.000 hệ thống dẫn, chuyển nước và gần 49.000 cống, xi phông, cầu máng; phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 316.000ha/năm.

Để quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi khổng lồ này, UBND TP.Hà Nội giao 4 công ty gồm: Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Nhuệ, Đầu tư Phát triển Thủy lợi sông Đáy và Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích với đội ngũ nhân sự lên tới 3.500 người.

Câu chuyện hàng nghìn công nhân thuỷ nông tại Hà Nội bị “treo” lương từng được báo Lao Động phản ánh năm 2017, lại tiếp tục tái diễn từ đầu năm 2020 đến nay.

Lại... “treo” lương

Suốt 3 tháng đầu năm, 4 công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội hoạt động để cấp nước đổ ải, chống hạn vụ đông xuân 2019-2020. Với nỗ lực rút ngắn thời gian đổ ải trong vụ đông xuân vừa qua, ngành Thuỷ nông Hà Nội đã nhận được biểu dương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT).

Vậy nhưng, phía sau thành tích này lại là một câu chuyện buồn. Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Doãn Văn Kính - Chủ tịch Cty TNHH MTV đầu tư phát triển Thuỷ lợi Sông Đáy - cho biết, dù vẫn hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhưng từ đầu năm đến nay, công ty chưa hề nhận được bất kỳ nguồn kinh phí nào do thành phố cấp để trả lương cho hơn 800 công nhân thuỷ nông của công ty. 

“Công ty đã phải đi vay bằng tín chấp và vay của một số anh em bên ngoài. Được mấy tỉ đồng thì chi trả lương cho anh em công nhân 2 triệu đồng/người. Bây giờ thì chịu, không vay nổi nữa. Anh em công nhân đa phần ở nông thôn, “nhiều no ít đủ”, ở hoàn cảnh nào cũng cố gắng chịu đựng để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - ông Kính cho hay.

Cùng trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Chí Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích - nói rằng, công ty ông cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Bên chúng tôi có gần 800 công nhân. Đợt vừa rồi, công ty cũng phải đi vay ngân hàng để chi trả một phần lương cho anh em sống, song song với đó UBND TP.Hà Nội cũng đã cho điều chỉnh lương. Hiện, công ty đang đẩy nhanh tiến độ quyết toán của năm 2019. Hy vọng từ nay đến cuối tuần, công ty sẽ có thêm nguồn kinh phí đó để trang trải cho anh em” - ông Hải chia sẻ.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội và Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Nhuệ. Do không có tiền trang trải cuộc sống, nhiều công nhân thuỷ nông ngày làm việc ở công ty, tối phải đi làm thêm để có thu nhập chi tiêu qua ngày. Gia đình nào cả vợ và chồng đều làm công nhân thủy nông thì đời sống rất khó khăn.

Vì sao lương bị “treo”?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xảy ra tình trạng chậm lương cho hàng nghìn công nhân thuỷ nông ở Hà Nội, nguyên nhân sâu xa là do những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Từ năm 2013-2019, việc cung ứng dịch vụ công ích thuỷ lợi được thực hiện theo hình thức đặt hàng với các doanh nghiệp thuỷ lợi. Từ khi có Nghị định 32 đến nay, Thành phố Hà Nội vẫn chưa thống nhất được phương án lựa chọn nhà thầu thuỷ lợi theo hình thức đấu thầu hay đặt hàng dẫn đến việc các công ty thuỷ lợi chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nhận kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định từ UBND TP.Hà Nội.

“Khi có quyết định đặt hàng từ UBND Thành phố Hà Nội, Sở NNPTNT sẽ có phê duyệt dự toán chi tiết. Sau đó, các công ty sẽ ký tiếp đặt hàng với Ban Dịch vụ thuỷ lợi thành phố thì mới đủ điều kiện ra kho bạc rút tiền. Hiện tại, chưa có quyết định đặt hàng từ phía UBND Thành phố nên chưa thể thực hiện các thủ tục tiếp theo” - ông Doãn Văn Kính, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi Sông Đáy - cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích - cho rằng, nguyên nhân của vấn đề là do những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ. “Chúng tôi được biết TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Nghị định 32. Hiện tại, cả 4 doanh nghiệp vẫn đang chờ các bộ, ngành sớm giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có nguồn kinh phí duy trì hoạt động và cuộc sống cho công nhân” - ông Nguyễn Chí Hải nói. Và ông Hải cho hay, trong khoảng thời gian này, anh em công nhân thuỷ nông vẫn đảm bảo công việc để phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn