MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lý do để bao biện cho việc lấn vỉa hè, chiếm đường để kinh doanh. Ảnh: Minh Hạnh

Hà Nội: Công an vừa rời đi, xe máy ở các quán nhậu chiếm hết vỉa hè, ô tô đỗ kín lòng đường

Minh Hạnh LDO | 25/03/2023 14:51
Vào dịp cuối tuần, vỉa hè trước cửa những quán bia hơi rất đông khách, xe máy của khách lấn ra vỉa hè, chiếm hết lối đi bộ của người dân. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở thì các chủ nhà hàng đưa ra rất nhiều lý do để lấp liếm sự vi phạm.

Ghi nhận của phóng viên, từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày, trước cửa các quán bia hơi tại khu vực Thái Thịnh – Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) rất đông khách.

Trước quán bia, xe máy chiếm hết vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Thậm chí, dưới lòng đường xe ôtô đỗ cũng đỗ kín, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

 Lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán hàng ăn. Ảnh: Tô Thế

Theo nhân viên một số nhà hàng, dịp cuối tuần, quán đông khách nên mới xếp xe xuống đường. Hàng ngày, công an phường nhắc nhở thường xuyên, quán cũng luôn chấp hành.

Khu vực Mai Dịch, Cầu Giấy, nhiều quán nhậu cũng xảy ra tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè, ô tô đỗ dưới lòng đường.

Khi lực lượng công an xuất hiện, nhân viên quán ngay lập tức xếp xe ngay ngắn theo vị trí được phép sử dụng. Tuy nhiên, vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ, vi phạm lại tái diễn khiến người dân bức xúc. Lực lượng chức năng cũng gặp khó vì không phải lúc nào cũng có mặt để chấn chỉnh.

Vỉa hè thành nơi bán hàng. Ảnh: Tô Thế 

Đại diện Công an phường Mai Dịch cho biết, không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, Công an phường còn yêu cầu nhà hàng bố trí nhân viên trông giữ, sắp xếp phương tiện tránh nguy cơ phát sinh tội phạm trộm cắp.

Theo quy định, việc buôn bán trên vỉa hè, lòng đường vào những mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở đến người, giao thông hay các hoạt động bình thường khác bị coi là hành vi lấn chiếm lòng đường.

Khi chủ trương của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội về chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ được phát động, nhiều người dân cho rằng, cùng với việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, Hà Nội cũng nên bỏ cấp phép đỗ xe tại hàng trăm vị trí trên các tuyến phố.

 Vỉa hè bị chiếm dụng khiến người dân phải đi bộ xuống lòng đường. Ảnh: Tô Thế

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Tại Khoản 1, Điều 32 về "Người đi bộ" quy định: "Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường". Ngoài ra, Khoản 2, Điều 19 về "Dừng xe, đỗ xe trên đường phố" quy định: "Không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định".

Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô "đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển "cấm đỗ xe" hoặc biển "cấm dừng xe và đỗ xe".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn