MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai hộ dân tự ý xây dựng cổng sai quy định trên ngõ đi chung. Ảnh Quốc Sang

Hà Nội: Dân chiếm lối đi chung, chính quyền bất lực?

CAO NGUYÊN LDO | 09/09/2017 07:15

Mặc dù việc xây dựng cổng trên ngõ đi chung là sai quy định, phía chính quyền cũng đã hòa giải, lập biên bản thể hiện việc xây dựng trái pháp luật này, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Chính quyền thừa nhận xây dựng sai

Theo phản ánh của ông Nguyễn Hải Phong (trú tại số nhà 34, ngõ 254 đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) gửi đến Báo Lao Động, thời gian gần đây, ông có việc phải đi công tác xa, khi về đến nhà thì phát hiện lối đi chung từ nhà mình đến cuối hẻm đã bị 2 hộ khác dựng cổng kiên cố.

Tài liệu của ông Phong thể hiện, ông có thửa đất và nhà ở được nhà nước chứng nhận quyền sở hữu. Theo sơ đồ kĩ thuật thửa đất thì bên hông phía trái nhà ở của ông Phong có một lối đi chung cùng hai hộ lân cận số nhà 30 và 32. Từ trước đến nay, đây là lối đi chung, mọi đường ống, hệ thống thoát nước, đường ống nước, cửa sổ và cửa thoát hiểm của gia đình nhà ông Phong đều nằm trên ngõ đi chung này.

Sơ đồ đất thể hiện lối đi chung. Ảnh Quốc Sang

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai nhà lân cận đã xây dựng cổng kiên cố trên ngõ đi chung nhằm lấn chiếm. Ông Phong có đơn khiếu nại gửi đến UBND phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội yêu cầu can thiệp.

Ngày 6.6 và ngày 20.6.2017, UBND phường Cống Vị cùng các ban ngành đã mời đại diện gia đình ông Phong cùng hai gia đình số 30 và 32 (ngõ 254, đường Bưởi) đến trụ sở UBND phường Cống Vị họp để giải quyết kiến nghị.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND phường Cống Vị đã đưa ra kết luận: “Việc hai gia đình số 30 và 32 ngõ 254, đường Bưởi tự ý xây cổng trên lối đi chung là trái pháp luật. Lối đi này không thuộc sở hữu, không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai gia đình này”.

Vì sao chưa xử lý được?

Một cán bộ thanh tra xây dựng phường Cống Vị (quận Ba Đình) cho hay, việc xây dựng của hai hộ dân nói trên là sai quy định, để xử lý phường đã yêu cầu cho các cá nhân tự tháo dỡ. Trường hợp, khi các cá nhân không tháo dỡ thì phía chính quyền mới tiến hành cưỡng chế.

Nhưng, sự việc đã xảy ra hơn 4 tháng, ông Phong nhiều lần khiếu nại và kiến nghị giải quyết đến chính quyền địa phương mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý triệt để. 

Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng chính quyền phường đang “bất lực” trước một vụ việc dù nhỏ nhưng vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương ngang nhiên như vậy?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn