MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Giải pháp chấm dứt cảnh chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

KHÁNH AN LDO | 07/04/2023 12:55

Hình ảnh các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè Hà Nội khiến nhiều người tham gia giao thông cảm thấy bất an. 

Mỗi sáng đến công ty, anh Vũ Văn Việt lại cảm thấy ngán ngẩm khi phải đi qua khu vực chợ cóc trong ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản (Cầu Giấy, Hà Nội). 

Anh Việt cho biết, mặc dù gọi là chợ cóc nhưng ở đây "không thiếu thứ gì", từ thịt, cá, rau đến quần áo, giày dép...

Các tiểu thương kê bàn, dựng ô, bày bán đồ ở ngay trên lòng đường. Trong khi đó, nhiều người dân khi đang di chuyển trên đường bỗng dừng khựng lại vì gặp được món đồ cần mua.

"Có thể đối với nhiều người, chợ cóc ở gần nhà sẽ thuận tiện cho việc mua bán mỗi ngày, giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên vào những giờ cao điểm việc mọi người tràn ra lòng đường để mua bán, gây ùn tắc giao thông" - anh Việt nói. 

Đủ các loại mặt hàng được bày bán tại chợ cóc. Ảnh: Khánh An
 Tiểu thương bày bán các mặt hàng ở lòng đường. Ảnh: Khánh An 

Không chỉ trên địa bàn quận Cầu Giấy, tình trạng chợ cóc, chợ tạm xuất hiện tại hầu hết các quận, huyện của Hà Nội. 

Tại các chợ cóc, những sạp hàng được bày bán la liệt tại đường đi hay trên vỉa hè, lấn chiếm không gian đi lại của người dân. Kiểu chợ này được hình thành theo dạng tự phát ở những tuyến phố hoặc con ngõ nhỏ.

Vào giờ tan tầm hay những lúc phiên chợ đông, giao thông ở đây thường xuyên bị ách tắc. Có khi còn xảy ra va chạm giữa các phương tiện với nhau. 

Tiểu thương bày bán hàng hóa la liệt ngoài đường. Ảnh: Phương Anh

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Sỹ Phong - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chợ cóc, chợ tạm xuất hiện nhiều ở các khu đông dân cư trên địa bàn phường, đặc biệt là các khu chung cư. Tại những khu vực này, nhu cầu mua bán của người dân cao, cùng thói quen tiện đâu mua đấy nên "có cung ắt có cầu". 

Ông Phong cho hay, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, phường đã ra quân rất quyết liệt để xử lý triệt để chợ cóc, chợ tạm. Cùng với đó là công tác tuyên truyền qua các kênh phát thanh để mỗi người dân có ý thức trong việc mua bán đúng nơi, đúng chỗ. 

"Trên thực tế, xét về mặt bằng chung, không phải ai cũng có điều kiện để vào mua bán thường xuyên trong siêu thị, trong khi chợ truyền thống vẫn thiếu nên đây vẫn là vấn đề khó.

Chúng tôi cũng đã đề xuất với quận về phương án quy hoạch một khu chợ chính thức để người dân được thuận tiện mua bán" - ông Phong nói. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Lăng – Phó chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội), tình trạng chợ cóc, chợ tạm xuất phát từ thực tế của đời sống xã hội. Vẫn có một lượng người nhất định phải mưu sinh nhưng không có địa điểm cố định. Khi đó, họ bám vỉa hè, con ngõ để bán hàng. 

"Trước đây, chúng tôi nhiều lần dẹp chợ cóc, chợ tạm. Khi kiểm tra xử lý, người ta lập tức thu dọn đồ. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, đâu lại hoàn đó" - ông Lăng nói.

Từ những kinh nghiệm trước đó, ông Lăng cho rằng công tác dẹp vỉa hè cần kết hợp giữa tuyên truyền, vận động và xử phạt. 

"Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để những người đang buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm hiểu rằng việc việc buôn bán như vậy không bền và ổn định. Chúng tôi vận động họ chuyển vào buôn bán tại chợ truyền thống Long Châu và đặt cho họ hạn mức thời gian để chất dứt tình trạng này. 

Với những trường hợp còn tái phạm, chúng tôi sẽ lập hồ sơ, mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính và không nhân nhượng" - ông Lăng nói. 

Ngoài ra, phường cũng tuyên truyền đến người dân để thay đổi thói quen mua bán tại các chợ cóc, chợ tạm. 

Theo ông Lăng, nhờ biện pháp này mà thời gian qua, tình trạng chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn phường Trúc Bạch đã giảm đi đáng kể.

Đại diện phường Trúc Bạch cho biết, dự kiến cuối tháng 5.2023, chợ Long Châu sẽ được tu sửa, nâng cấp để có không gian mua bán thuận lợi hơn cho người dân cũng như các tiểu thương.

Mới đây, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận (hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 40 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới). Thành phố đã phân cấp mạnh mẽ, giao toàn quyền cho các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn