MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành lang hầm đường bộ thường bị xâm phạm. Ảnh: Minh Hạnh

Hà Nội: Hành lang hầm đường bộ bị chiếm dụng

Minh Hạnh LDO | 10/03/2023 07:00
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ qua các trục đường lớn, Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng hầm đường bộ, cùng đó mỗi năm cũng phải chi thêm hàng chục tỉ đồng để vận hành và duy tu. Tuy nhiên, do thói quen và ý thức của người dân nên nhiều khu vực cửa hầm đã bị chiếm dụng để bán hàng, đổ rác gây mất mỹ quan.

Vào 15h30 ngày 9.3, tại cửa hầm H7 (cạnh BigC Thăng Long), hàng hóa của người dân để tràn ra lối đi xuống hầm của người dân. Cùng với đó, ở khu vực hành lang xuống hầm, hàng loạt xe ôm, taxi đứng đón khách khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Cửa hầm đường bộ luôn bị hàng hóa chiếm dụng. Ảnh: Minh Hạnh

Theo ghi nhận, mặc dù hành lang bên trên bị chiếm dụng nhưng bên trong hầm chui được nhân viên của đơn vị vận hành quét dọn sạch sẽ, có hệ thống đường điện sáng.

Người bán hàng rong lấn chiếm hành lang của hầm đường bộ. Ảnh: Minh Hạnh 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Khắc Tân - nhân viên Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội cho hay, mỗi ngày, ông làm việc 2 ca, ca 1 từ 6h sáng đến 14h và ca 2 từ 14h đến 22h. Vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, lượng người đi lại đông vì thời điểm đó trên đường tắc, người dân không băng qua đường được.

Cửa hầm thành nơi đổ rác nhếch nhác bẩn thỉu. Ảnh: Minh Hạnh

Công ty chỉ quản lý và dọn dẹp từ khu vực cửa hầm trở xuống, còn phía trên không thể kiểm soát được. Theo bà Nguyễn Anh Thư (75 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), hàng ngày bà đi tập, đi chợ đều qua hầm vì vừa thuận tiện và sạch sẽ. Tuy nhiên ở phía trên, nhiều người thiếu ý thức đã đổ rác thải hay đỗ xe lấn hết lối đi xuống, gây bức xúc cho người dân.

Cảnh nhếch nhác bên ngoài cửa hầm đường bộ khiến người dân bức xúc. Ảnh: Minh Hạnh  

Ông Nguyễn Xuân Thiện, làm nghề xe ôm khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển cho rằng do thói quen tiện đâu đi đấy của người dân nên dù hầm đi bộ rất sạch sẽ nhưng cũng ít người qua lại mà bất chấp nguy hiểm băng qua đường.

Được biết, hiện Hà Nội đã xây dựng và đưa vào khai thác hơn 30 hầm, 53 cầu đi bộ với chi phí xây dựng hàng trăm tỉ đồng. Đại diện Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội (đơn vị thực hiện công tác duy tu, duy trì vận hành hầm, cầu bộ hành) cho biết đơn vị được giao quản lý 31 hầm, 28 cầu bộ hành trên địa bàn. Mỗi năm chi phí quản lý, bảo trì, vận hành khoảng 10 tỉ đồng, trong đó: 31 hầm chui là 6,76 tỉ đồng và 28 cầu bộ hành là 2,8 tỉ đồng.

This browser does not support the video element.

Hành lang phía trên của hầm đường bộ luôn bị chiếm dụng.

Tất cả công trình cầu, hầm đều có người trông giữ, vệ sinh hàng ngày, chia làm 2 ca/ngày phục vụ đến 22h. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện các công trình hầm chui, cầu bộ hành rất ít người sử dụng vì người dân vẫn có thói quen sang đường tùy tiện.

 Cửa hầm luôn bị lấn chiếm. Ảnh: Minh Hạnh

Theo các chuyên gia giao thông, tại một số nước, hầm đường bộ thường kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi hoặc kết nối với các bãi đỗ xe, nhà ga, công trình ngầm.

Trong khi đó, hầm đường bộ ở nước ta là những công trình giao thông đơn độc, chưa có sự kết nối với các tòa nhà và chỉ phục vụ chức năng giao thông là chủ yếu.

Theo TS. Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông), việc vận hành hệ thống công trình cho người đi bộ nếu không hiệu quả để kéo dài sẽ gây lãng phí. Do đó, nên bổ sung thêm các tiện ích khác như hệ thống thông tin liên lạc, biển chỉ dẫn, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là thiết kế đẹp, là nơi đáng để check-in, chắc chắn sẽ có sức hút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn