MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty CP khoá Minh Khai đi đòi quyền lợi do doanh nghiệp chậm đóng BHXH trong 104 tháng. Ảnh: Hà Anh

Hà Nội: Khoảng 49.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Hà Anh LDO | 09/02/2023 07:58

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 49.000 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với số tiền chậm đóng là hơn 3.660 tỉ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trên 323.730 lao động. 

Theo thống kê của BHXH TP.Hà Nội, đã có hơn 23.000 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên. Đặc biệt, có 23 doanh nghiệp có số chậm đóng “khủng” trên 10 tỉ đồng.  

Trong đó, Công ty Cổ phần LILAMA3 (số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) chậm đóng 42,556 tỉ đồng, với số tháng chậm đóng là 101 tháng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu CN Quang Minh, Mê Linh, TP.Hà Nội) chậm đóng 33,593 tỉ đồng trong 39 tháng; Công ty Cổ phần Cầu 12 (số 465 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, TP.Hà Nội) chậm đóng 30,30 tỉ đồng trong 70 tháng; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1 (số 2 đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP.Hà Nội) chậm đóng 19,910 tỉ đồng, trong 113 tháng;  Công ty CP Khóa Minh Khai (Km14 QL1A, Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) chậm đóng 12,692 tỉ đồng trong 104 tháng…

Đại diện BHXH TP.Hà Nội cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn cao là do dịch COVID-19, xung đột tại Châu Âu… làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp chưa cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, cố trình chậm đóng đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía.

Về phía doanh nghiệp, nếu không nộp đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người lao động sẽ không yên tâm gắn bó lâu dài. Còn với người lao động, nếu không may làm việc trong các đơn vị chậm đóng BHXH, họ bị ảnh hưởng đến những quyền lợi chính đáng, nhất là khi giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Các lực lượng chức năng của TP.Hà Nội kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH tại các doanh nghiệp. Ảnh: BHXH TP.Hà Nội 

Trong thời gian qua, BHXH TP.Hà Nội đã yêu cầu BHXH quận, huyện, thị xã chủ động rà soát tình trạng của các đơn vị chậm đóng đóng từ 3 tháng trở lên để tổng hợp, lập danh sách gửi về BHXH thành phố ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ Thu chậm đóng thuộc BHXH quận, huyện, thị xã, yêu cầu cán bộ làm công tác thu thường xuyên đôn đốc quyết liệt các đơn vị đóng nộp BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động, tập trung các đơn vị có số chậm đóng dưới 3 tháng, không để phát sinh chậm đóng mới…

BHXH TP.Hà Nội xác định năm 2023, tình hình kinh tế xã hội dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với khó khăn, thách thức nhiều hơn… do đó, công chức, viên chức, người lao động BHXH TP.Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, lãnh đạo TP.Hà Nội… triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho viên chức, người lao động tập trung đôn đốc thu, giảm chậm đóng, không để phát sinh chậm đóng đóng BHXH, BHTN, BHYT ngay từ đầu năm; thường xuyên rà soát cơ sở dữ liệu người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. 

Tổ chức thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn