MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên bị chiếm dụng một phần diện tích để kinh doanh.

Hà Nội: Nhan nhản dịch vụ ăn uống chiếm dụng diện tích công viên

HỮU CHÁNH - VĨNH HOÀNG LDO | 10/11/2022 14:53
Những không gian công cộng như công viên, vườn hoa, khu vui chơi... ở Hà Nội vốn đã rất khiêm tốn so với nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, đã vậy, một số công viên còn bị chiếm dụng một phần diện tích để phục vụ mục đích kinh doanh.

Hà Nội đang dành mọi nguồn lực xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh cũng đang gặp nhiều thách thức khi thực trạng hệ thống công viên, vườn hoa còn rất nhiều bất cập từ đầu tư đến quản lý.

Gia đình anh Nguyễn Công Phụng (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thường có thói quen đi dạo mát, vui chơi ở Công viên Thủ Lệ vào cuối tuần. Đây cũng là một địa điểm quen thuộc để nhiều phụ huynh TP Hà Nội và các tỉnh, thành khác đến tham quan, vui chơi cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ.

Nhiều đồ chơi được bày bán tràn lan ở vỉa hè trong Công viên Thủ Lệ.

Anh Phụng cho biết, hiện nay, nhiều khu vực trong Công viên Thủ Lệ có nhiều điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi có thu phí, ăn uống. Những kiôt bán hàng nằm rải rác cũng khiến các mảng xanh và cảnh quan công viên bị thu hẹp đáng kể.

"Công viên là mảng xanh đô thị nhằm cân bằng khí hậu, tạo điều kiện cho người dân có không gian nghỉ ngơi, thư giãn nhưng nay lại gặp tình trạng như vậy khiến tôi không hài lòng", anh Phụng nói.

Tương tự, ghi nhận của phóng viên tại khu vực Công viên Thống Nhất (quận Đống Đa), một phần diện tích trong tổng thể công viên này từ lâu đã bị chiếm dụng để xây dựng một số kiôt buôn bán, kinh doanh.

Không gian chung của mọi người đang bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán.

Người dân khu vực cho biết, ở đây thường xuyên diễn ra tình trạng chiếm dụng khuôn viên của công viên để tổ chức hoạt động kinh doanh ăn uống. Điều này khiến không gian chung trở nên nhếch nhác, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường.

Tại đây, một số quán nước, bãi giữ xe trái phép ở cổng công viên mọc lên, chiếm hết diện tích vỉa hè, không còn chỗ dành cho người đi bộ.

Mặc dù cơ quan chức năng TP Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, xử lý tình trạng chiếm dụng công viên để kinh doanh, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn.

Nhiều hàng quán cũng được mọc lên ở trong khuôn viên Công viên Thống Nhất gây ra sự nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị.

Không chỉ ở công viên, những khu vực vỉa hè như ở hồ Tây hay hồ Gươm cũng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh trà sữa, kem, đồ ăn vặt..., dù bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng họ vẫn liên tục tái phạm.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho biết, thực trạng bêtông hóa và lấn chiếm đất đai công cộng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh đang ngày càng nở rộ.

Theo anh Ngọc, những dịch vụ thiết yếu cung cấp thức ăn nhanh, nước uống cho người dân đi bộ, thư giãn ở các công viên cần được quy hoạch cụ thể, bố trí hợp lý để khai thác một cách có hiệu quả, tránh làm mất mĩ quan, không gian chung của cộng đồng.

 Lối vào cổng Công viên Thống Nhất cũng trở thành bãi đỗ xe, gây khó khăn cho người đi bộ.

"Cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, có biện pháp mạnh, răn đe hơn nhằm khắc phục tình trạng trên, để người dân không còn phải thấy cảnh không gian công cộng bị chiếm dụng", anh Ngọc nói.

Hiện nay, ở các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, hiếm có gia đình nào có được khoảnh sân nhỏ để hít thở khí trời.

Việc lấn chiếm diện tích công viên để kinh doanh là xâm phạm tới quyền lợi của người dân. 

Do vậy, công viên trở thành nơi phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn tinh thần của người dân sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, tập thể dục thể thao và giao lưu kết nối với cộng đồng.

Chính vì lẽ đó, việc chiếm dụng đất ở công viên với bất kỳ hình thức nào ngoài mục đích công cộng cũng đều là hành động xâm phạm tới quyền lợi của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn