MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều làn đường trở thành cái bẫy của người khiếm thị. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hà Nội: Nhiều cột đèn, cây xanh cản phần đường dành cho người khiếm thị

Nguyễn Thúy LDO | 15/03/2023 10:31

Nhiều cột đèn, cây xanh tại Hà Nội được lắp đặt đúng vào phần đường dành cho người khiếm thị.

Theo quy định, phần đường dành riêng cho người khiếm thị phải được lát bằng 2 loại gạch dẫn đường gồm: gạch sọc để hướng dẫn đi thẳng tiếp, chấm bi để yêu cầu dừng lại. Đặc biệt, phần đường này phải xây tránh các nắp cống, cây xanh, tủ cáp quang, trụ điện…

Tuy nhiên, trong thực tế làn đường này “có như không có”, thậm chí trở thành cái "bẫy" cho người khiếm thị. 

 Nhiều cột đèn "mọc" giữa lối đi dành cho người đi bộ. Ảnh: Nguyễn Thúy 

Ghi nhận, trên trục đường Đại La, Minh Khai… có xây dựng tuyến đường cho người khiếm thị nhưng chưa đạt chuẩn. Cứ khoảng chục mét lại xuất hiện những nắp cống nổi ngay trên lối đi. Phần đường dẫn đâm thẳng vào các cột đèn biển báo, gốc cây…

Đáng nói, trên một số đoạn vỉa hè, lối đi của người khiếm thị còn bị người dân ngang nhiên sử dụng để dựng xe máy, quán ăn, quán nước, bày bán hàng hóa. Tất cả đều chiếm một nửa, thậm chí hai phần ba lối đi riêng của người khiếm thị.

Thậm chí, có cả những gốc cây xanh “mọc” giữa lối đi của người khiếm thị. Ảnh: Nguyễn Thúy

Còn ở những đoạn vỉa hè trước cổng cơ quan, công ty, trường học, thay vì lát làn đường bằng gạch vân dạng que song song, họ lại lát bằng loại gạch thông thường, điều này khiến người khiếm thị không xác định được phương hướng.

Trước đây, khi nghe tin vỉa hè các tuyến phố có làn đường dành riêng cho người khiếm thị, chị Ngọc Trâm (Minh Khai – Hà Nội) rất vui vì có thể tự mình di chuyển. Thế nhưng, khi "trải nghiệm" chị lại đi trong sự dò dẫm, lo sợ. 

“Dù đã đi theo phần đường dành cho người khiếm thị nhưng không ít lần, tôi bị vấp ngã bởi những nắp cống, hay bước hụt vào những hốc cây, va vào xe đỗ trên đường. Nhiều khi ra đường vẫn phải nhờ người khác giúp đỡ”, chị Trâm nói.

“Ma trận” nắp cống nằm ngay giữa lối đi dành riêng cho người khiếm thị trên đường. Ảnh: Nguyễn Thúy. 

Được hỗ trợ từ công cụ dành cho người khiếm thị, anh Ngọc Tấn (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn có thể đi lại trên đường. Tuy nhiên, việc di chuyển của anh gặp rất nhiều khó khăn.

“Nhiều lúc đi dò dẫm từng bước chân nhưng vẫn ngã ngửa hay đập đầu vào các cột đèn đường. Đến các ngã 3, ngã 4 đa phần tôi vẫn phải dựa vào cảm giác, lắng nghe các dòng xe cộ để phán đoán”, anh Tấn cho hay.

Nhiều người dân bày bán hàng quán ngay trên vỉa hè, chắn ngang lối đi của người khiếm thị. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo một số người dân, đường dành cho người khiếm thị chỉ là “hình thức”, bởi ngay cả người đi bộ còn gặp khó khăn trong việc di chuyển.

“Vỉa hè như ma trận, hết cột đèn, gốc cây rồi bán hàng, trông xe khiến ngay cả những người đi bộ như chúng tôi cũng phải xuống lòng đường luồn lách giữa các dòng xe để di chuyển”, chị Như Mai – người dân sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.

Vỉa hè bị lấn chiếm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân - cho rằng, những làn đường dành riêng cho người khiếm thị đang làm rất lộn xộn. Đường dẫn không trùng vào vạch, nhiều đường đâm thẳng vào cột đèn, cây cối. Thậm chí, nhiều làn đường còn có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

“Đa phần họ không thể hoặc hiếm khi di chuyển tại phần đường này. Nếu những đoạn đường vào cung đường quy hoạch trồng cây xanh hoặc cột đèn thì nên đặt biển cảnh báo trước để người khiếm thị có thể nhận biết", anh Thành nói.

Các ốc vít nhô cao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm dành cho người khiếm thị. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo anh Thành, đảm bảo giao thông cho người khuyết tật chính là để thực hiện chính sách quan tâm đến nhóm người yếu thế. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện thuận lợi cho những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và đóng góp thêm nhiều giá trị của mình cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn