MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn đào đường, hoàn trả mặt bằng nham nhở ở Hà Nội gây bức xúc cho người dân. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội: Nhiều mặt đường phố nham nhở sau hạ ngầm đường viễn thông

Phạm Đông LDO | 04/10/2020 19:33

Nhiều tuyến phố tại Hà Nội được đào lên hạ ngầm đường dây viễn thông... nhưng nhiều nhà thầu hoàn trả mặt đường chậm, không bảo đảm chất lượng gây mất an toàn giao thông.

Chiều 4.10, theo ghi nhận của Lao Động, nhiều con đường được thảm nhựa bóng láng tại Hà Nội bị đào lên, lấp xuống, để lại những đoạn gồ ghề hoặc lõm sâu xuống gây mất an toàn giao thông. Trong đó, kết cấu nhựa đường phần thảm lại nhiều chỗ rời rạc. Không chỉ trám vá chưa đúng quy định, đơn vị thi công còn để lại đất cát, bụi bẩn.

Cụ thể, tại tuyến phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gần trường THCS Tây Sơn một đoạn ngắn lại xuất hiện nhiều vị trí được đào rồi trám lại như mảnh áo rách vá lại. Không những vậy, đoạn đường này còn xuất hiện ổ gà, nắp cống lồi lõm hoặc cao hơn so với mặt đường.

Mặt đường Trần Nhân Tông sau khi được đào lên và hoàn trả nham nhở. Ảnh: Phạm Đông

Theo người dân sinh sống trên tuyến phố, khi trời nắng hanh, mỗi khi có phương tiện đi qua, bụi, cát trên mặt đường do việc đào đường lại bay lên mù mịt. Vơi những ngày mưa thì ngập nước, sình lầy, trơn trượt gây mất an toàn giao thông.

Chị Nguyễn Thị Tuyến (trú tại Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du) cho biết, tuyến đường này được trải thảm nhựa khá khang trang sạch sẽ nhưng thời gian qua đã bị đào bới nham nhở, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Không những vậy, các vị trí bị đào bới lại gần các ngã ba, ngã tư và trường học cũng gây mất an toàn.

Mặt đường nham nhở khiến nắng thì bụi bay dày đặc, ngày mưa thì ngập nước, sình lầy, trơn trượt.
Những tấm sắt trải đường tạm bợ.

"Việc thi công nhưng không hoàn trả mặt đường đúng quy định đã ảnh hưởng rất nhiều tới trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường này. Việc hạ ngầm đường dây viễn thông góp phần đẹp đẽ, cải thiện không gian đô thị là cần thiết và được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhìn con đường bị cày xới, thảm lại nham nhở khiến nhiều người dân trên tuyến phố xót xa" - chị Tuyến cho hay.

Cách đó không xa, tại ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm giao với Hồ Xuân Hương (quận Hai Bà Trưng) vẫn còn một số hạng mục thi công chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng; một số vị trí sụt, lún gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông và bức xúc trong nhân dân.

Người dân mong muốn sớm hoàn trả mặt đường.

Tại đây, mặc dù đường nhỏ hẹp, nay lại bị lồi lõm, ngổn ngang nguyên vật liệu khiến nhân dân đi lại khá vất vả, đặc biệt vào buổi tối. Do mặt đường không bằng phẳng, tuyến đường đã phải sử dụng nhiều tấm sắt trải đường để người dân đi tạm.

Đường bị sụt lún do việc hoàn trả mặt bằng không đúng quy định.

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Thanh Dũng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bức xúc cho biết: “Thay vì trải nhựa, đổ bê tông như cũ, có chỗ chỉ được đổ cát đá lên lấp qua loa, nên nhanh chóng bị lún tạo thành rãnh như những “cái bẫy”. Chúng tôi đề nghị đơn vị thi công nhanh chóng có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đường phố”.

Nhiều chỗ sụt lún, gồ ghề tại ngã ba.

Tương tự, tại ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên cũng xuất hiện nhiều nắp cống lồi lõm so với mặt đường, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nói về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi các chủ đầu tư đang thi công hạ ngầm trên các tuyến đường chỉ đạo các nhà thầu hoàn trả ngay mặt đường đối với đoạn đã thi công xong, không để xảy ra tình trạng hư hỏng, lún sụt gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông Vận tải.

Theo vị lãnh đạo, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Sở sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng hoàn trả mặt đường đối với các công trình, những đoạn đã thi công xong. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải sẽ không tiếp tục cấp phép thi công cho các đơn vị thực hiện việc hoàn trả mặt đường không đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn