MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Những cảnh đời cuối cùng “mắc kẹt” trên khúc sông cạn

Quang Minh - Sở Hạ - Hoàng Vũ LDO | 26/06/2020 10:00

Một trong những người cuối cùng còn sinh sống trong con thuyền hoen gỉ, mục nát trên cửa lạch cạn trơ nước (đoạn qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi, vì thời tiết quá khắc nghiệt nên chẳng mấy ai còn neo đậu dưới sông.

Phận đời "mắc kẹt" trên khúc sông cạn

Vào một ngày giữa tháng 6, men theo con đường đất lổm nhổm gạch đá, chúng tôi tìm đến xóm nổi ngụ cư ven sông Hồng, nơi còn được biết đến với cái tên “xóm mắc cạn”. Vùng đất nằm bên rìa thành phố này đã trở thành “quê hương thứ 2” của nhiều hộ dân đến từ huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc). Họ rời quê lên Thủ đô mưu sinh bằng nghề buôn gốm sứ.

Xóm “mắc cạn” trên sông Hồng. Ảnh: Tạ Quang.

Cuối giờ chiều, thời tiết vẫn hầm hập như rang, những con thuyền nằm im lìm, bất động trên khúc sông cạn mà không một bóng người. Xa xa có tiếng vọng lại: “Chẳng còn mấy gia đình ở đó nữa đâu, người ta lên bờ sinh sống cả rồi”.

“Thời tiết nóng như vậy, chẳng ai chịu nổi nữa. Hiện tại chỉ còn 2 gia đình sống tạm trên thuyền, nhưng chỉ vài hôm nữa, họ sẽ chuyển hẳn lên bờ sinh sống“, một người dân khẳng định.

 Người dân "xóm mắc cạn" chống nóng bằng quạt tay.

Qua tìm hiểu, nhiều năm nay, do mực nước sông Hồng bắt đầu cạn khiến cho việc di chuyển thuyền bè, buôn bán gặp vô vàn khó khăn, nhiều người quyết định lên bờ sinh sống.

Bóng tối dần phủ trùm lên một vùng sông nước trơ đáy. Sau nhiều giờ kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một trong số những người còn lại sinh sống tại nơi này.

Anh Đỗ Văn Phú là một trong những người còn lại "mắc kẹt" dưới sông.

Hơn 20 năm trước, anh Đỗ Văn Phú rời bỏ làng quê nghèo thuộc huyện Sông Lô lên Hà Nội lập nghiệp. Rong ruổi trên những chiếc thuyền dọc sông Hồng, buôn bán đủ loại đồ gốm sứ tính kế mưu sinh. Cũng là chừng đó thời gian, ước mơ được lên bờ của anh Phú luôn cháy bỏng.

“Mình sống phiêu bạt trên Hà Nội từ thời thanh niên. Buôn bán gốm sứ cũng chỉ đủ đồng tiền sinh hoạt của 2 vợ chồng và trang trải tiền học phí cho các con, nên ước mơ lên bờ rất mãnh liệt”, anh Phú chia sẻ.

Bên trong khoang thuyền xuống cấp mà anh Phú gọi là nhà.

Theo anh Phú, vì sinh hoạt khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên cả “xóm mắc cạn” hiện chỉ còn 2 gia đình dưới sông. Bên cạnh đó, những chiếc tua bin phát điện chỉ đủ dùng để phục vụ chiếu sáng cho các hộ dân ở đây. Đến mùa nắng nóng, cái quạt máy cũng "đói điện" nên chẳng ai nghĩ tới điều hòa, máy lạnh bao giờ.

"Chúng tôi sẽ lên bờ tìm nhà thuê"

Cùng lúc này, chị Trần Thị Xuân (vợ anh Phú) đã về tới mũi thuyền sau một ngày long đong mọi ngả phố phường. Cầm trên tay túi đồ nặng trĩu, chị Xuân cười tươi tuyên bố với chồng: “Nay bán được 300 nghìn tiền hàng, bữa tối nhà ta có thịt gà và đậu rán”.

Vợ chồng anh Phú, chị Xuân sinh hoạt, nấu cơm ngay trên thuyền.

Theo lời chia sẻ của đôi vợ chồng, chỉ vài hôm nữa, gia đình sẽ lên bờ tìm nhà thuê, vì cái nóng khiến vợ chồng anh nhiều đêm mất ngủ.

Chị Xuân tâm sự, chuỗi ngày nắng nóng cao điểm đã khiến mọi người sống vô cùng khổ cực. Vì thời tiết oi bức nên cả nhà chả thiết tha ăn uống gì, chỉ có cái rau cái cỏ là dễ ăn và làm mát cơ thể.

Cảnh người dân sinh hoạt trên những chiếc thuyền cũ kỹ.

Khi trời đã tối đen như mực, cũng là lúc từng đàn côn trùng như muỗi, dĩn hoành hoành. Trong cơn đói khát, chúng chẳng bỏ qua ai, câu chuyện giữa chúng tôi và anh Phú, chị Xuân cứ gián đoạn liên tục bởi tiếng vo ve, tiếng vỗ ngứa đôm đốp trong không gian tĩnh mịch.

Về phần các con thuyền, giờ chỉ còn là kỷ niệm của một thời sông nước, còn người dân cũng đang dần thích nghi với cuộc sống  mưu sinh trên những chiếc xe thồ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn