MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai trao đổi với phóng viên Báo Lao Động việc bị nợ BHXH kéo dài, tổng số tiền hơn 12 tỉ đồng. Ảnh: Lê Hoa

Hà Nội: Quyền lợi về BHXH của 67.700 lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Hà Anh LDO | 14/02/2023 10:49

Theo BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 1.2023, toàn thành phố có 12.092 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài với tổng số tiền nợ là hơn 1.905 tỉ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của 67.703 lao động. 

Các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN nhiều nhất là Công ty Cổ phần LILAMA3 - nợ 42,556 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment - nợ 33,593 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1 - nợ 19,910 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 - nợ 19,176 tỉ đồng; Công ty Cổ phần 116 - CIENCO - nợ 18,944 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội - nợ 17,836 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Ôtô 1.5 - nợ 12,233 tỉ đồng; Công ty Cổ phần khóa Minh Khai - nợ 12,692 tỉ đồng…

Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ quy định hiện hành theo nguyên tắc đóng - hưởng, khi các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng thì tất cả các quyền lợi của người lao động liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cụ thể, người lao động nghỉ việc không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHTN, BHYT như chế độ như ốm đau, thai sản; người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu chưa được giải quyết chế độ hưu trí kịp thời; không nhận được trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng số tiền đóng BHYT. Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám chữa bệnh…

Việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động.

Đơn đề nghị của bạn đọc gửi tới Báo Lao Động phản ánh việc Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ BHXH. Ảnh: Hà Anh 

Mới đây, Báo Lao Động đã nhận được phản ánh của bà L.T.C (quận Long Biên, Hà Nội). Bà C. cho biết, bà từng làm cán bộ chuyên về công tác Đảng, Công đoàn tại Công ty Cổ phần Cầu 12 (số 465 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội). Đến ngày 30.12.2020, bà C. đủ tuổi nghỉ hưu và có 32 năm 8 tháng đóng BHXH. 

Tuy nhiên để được nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, bà C. đã phải tự bỏ tiền để đóng toàn bộ 4 năm phí BHXH của mình và đến 1.6.2021, bà mới có sổ để nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Số tiền bà C. phải bỏ ra để đóng BHXH trong 4 năm là trên 78 triệu đồng. Ngoài ra, bà C. còn bị Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ 6 tháng tiền lương của năm 2019. 

Và bà C. đã làm đơn gửi lãnh đạo Công ty Cổ phần Cầu 12 để yêu cầu công ty trả toàn bộ số tiền 4 năm tham gia BHXH mà bà C. đã đóng BHXH thay cho công ty và tiền lương 6 tháng năm 2019… Mới đây, bà C. được công ty chi trả 35 triệu đồng!

Được biết, Công ty Cổ phần Cầu 12 hiện nợ BHXH của 26 người lao động, trong thời gian 70 tháng, với số tiền nợ là hơn 30,303 tỉ đồng.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn