MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn đổ trộm rác, phế thải ở nhiều nơi. Ảnh: Minh Hạnh

Hà Nội: Tái bùng phát nạn đổ trộm rác, phế thải

Minh Hạnh LDO | 23/03/2023 13:49
Tình trạng đổ trộm rác, phế thải xây dựng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị và lấn chiếm đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy. Chính vì vậy, tại không ít khu vực trong thành phố, cứ ra khỏi nhà là bắt gặp những đống phế thải bị đổ bừa bãi ven đường, góc phố, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị…

Đổ chất thải và đất ven sông Hồng địa phận phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Ảnh: Minh Hạnh

Đại diện UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, để ngăn chặn nạn đổ trộm, chính quyền đã chặn toàn bộ lối vào bãi rác bằng tôn thép, bê tông đồng thời phối hợp với các địa bàn giáp ranh để xử lý vi phạm.

Là địa bàn nóng về đổ rác thải ven đê sông Hồng, quận Tây Hồ có giải pháp mạnh tay hơn là vừa ngăn chặn đổ trộm, vừa dọn dẹp vệ sinh môi trường. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Tứ Liên có tới 3 điểm đổ thải được bốc xúc. Lực lượng công an phối hợp với tổ dân phố, tổ chức chốt trực thường xuyên tại các vị trí trọng điểm.

 Bất cứ bãi đất trống nào cũng có thể trở thành nơi đổ rác. Ảnh: Minh Hạnh

Theo anh Lê Văn Tuấn (trú tại Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội), trước đây địa bàn phường Tứ Liên có 3 đầm và 2 ao sát bờ sông Hồng. Hiện tại đầm cơ bản đã lấp xong, phát sinh tình trạng người dân lấn chiếm đất lòng đầm. Cùng với đó, khu vực đê quai Tứ Liên trước đây là lòng sông, sau khi có các công trình thuỷ điện phía thượng nguồn thì sông cạn, người dân vỡ hoang trồng quất.

Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã đổ chất thải rắn (chạt), đóng cọc và bắt đầu có sự mua bán. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần cưỡng chế phá dỡ nhưng việc đổ phế thải lấn chiếm đất vẫn tái diễn.

Trong khi đó, hiện các công ty môi trường chỉ chịu trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt chứ không thu gom rác thải xây dựng. Với khoảng 3.000 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày, Hà Nội sẽ tiếp tục có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều điểm đổ trộm khác.

Để giải quyết dứt điểm và xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình đổ trộm chất thải rắn ra môi trường, cuối tháng 2 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện điều tra, xử lý dứt điểm việc đổ, đốt trộm chất thải rắn đồng thời tiến hành dọn sạch các bãi rác tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài mạnh thì mới xử lý dứt điểm tình trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn