MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Tái diễn tình trạng di chuyển sai làn trên phố Trần Hữu Dực

NGUYỄN DUY LDO | 21/04/2023 15:13

Tuyến đường nghìn tỉ Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) dù được thiết kế đến 8 làn đường, tuy nhiên tình trạng đi sai làn vẫn xảy ra phổ biến.

Tham gia giao thông kiểu "điền vào chỗ trống"

Dự án đường Trần Hữu Dực được khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 2009 có tổng chiều dài 3,5km, mặt cắt ngang 50m, vận tốc thiết kế 60km/h với tổng mức đầu tư là 1.543 tỉ đồng.

Đường phân làn riêng cho từng loại phương tiện, có ý nghĩa quan trọng với giao thông Thủ đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc và va chạm so với việc phải lưu thông hỗn hợp.

Tình trạng ôtô đi làn xe máy, xe máy thì vào làn ôtô trên đường Trần Hữu Dực. Ảnh: Nguyễn Duy.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, sáng 20.4, tình trạng đi sai làn vẫn xảy ra phổ biến trên đường Trần Hữu Dực. Điều này không chỉ gây ùn tắc trong những giờ cao điểm mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chị Hà Anh (trú tại phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng di chuyển trên phố Trần Hữu Dực để đến cơ quan, không khó để bắt gặp tình trạng các phương tiện giao thông đi sai làn”.

Chị Hà Anh cho rằng việc dừng đỗ ôtô sai quy định trên làn đường dành cho xe máy là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng di chuyển sai làn. Ảnh: Nguyễn Duy.

Chị Hà Anh cho rằng từ lâu, người dân đã có thói quen đi theo kiểu “điền vào chỗ trống”, bất chấp biển báo, đèn tín hiệu và vạch phân làn. Điều này không chỉ gây nguy hiểm và còn làm hình ảnh giao thông trở nên hỗn loạn.

“Mặc dù số lượng làn đã được phân chia rất đều (bao gồm 4 làn cho ôtô và 4 làn cho xe máy) tuy nhiên, việc lấn chiếm lòng đường làm nơi đậu đỗ đã khiến làn đường dành cho xe máy bị thu hẹp đáng kể. Trong những giờ cao điểm, lượng phương tiện xe máy chen chúc tăng cao, họ buộc phải đi vào làn dành cho ôtô” - chị Hà Anh nói.

Cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm

Anh Hoàng Minh Tú (trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) khẳng định việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vẫn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có các phương án kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Anh Minh Tú thường xuyên bắt gặp tình trạng các phương tiện di chuyển sai làn Ảnh: Nguyễn Duy.

“Không chỉ riêng xe máy mà ngay cả ôtô cũng đi sai làn. Thậm chí còn có tình trạng các xe taxi đón khách vì ngại quay đầu nên đi lùi ngay trong làn đường của xe máy. Cơ quan chức năng cần sớm khắc phục được các tình trạng trên để đảm bảo lợi ích, an toàn cho người tham gia giao thông”- anh Minh Tú nói.

Làn trong cùng dành cho xe máy bị trưng dụng làm nơi đậu đỗ ôtô trái phép. Ảnh: Nguyễn Duy.

Anh Tú cũng cho rằng sẽ rất khó để phân làn nếu chưa thay đổi được ý thức người dân. Trên phố Trần Hữu Dực, các làn đường dành cho từng loại phương tiện không chỉ được thể hiện qua vạch kẻ hay biển báo mà còn có dải ngân cách bó vỉa rộng khoảng 1 mét. Vậy nên, không thể nói là không biết hoặc vô ý, mà vấn đề này thuộc về ý thức của người tham gia giao thông.

Không khó bắt gặp hình ảnh xe máy đi dàn hàng trong làn đường dành cho ôtô. Ảnh Nguyễn Duy.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng và việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về việc đi đúng phần đường, làn đường là vô cùng quan trọng, góp phần hạn chế rủi ro và hình thành văn hóa giao thông đô thị.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt đối với các hành vi đi sai làn đường bao gồm xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe.

Cụ thể người điều khiển ôtô có hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường, gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 2-4 tháng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn