MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ bà Nguyễn Thị Lưu dành cả cuộc đời gắn bó với làng nghề. Ảnh: Trần Tuyên

Hà Tĩnh: Cụ bà 90 tuổi miệt mài “giữ lửa” làng nghề nón lá Phù Việt

TRẦN TUYÊN LDO | 07/09/2020 16:30

Cụ bà 90 tuổi vẫn miệt mài, kiên trì “giữ lửa” nghề làm nón lá truyền thống Phù Việt (Hà Tĩnh) trước thách thức của cơn lốc thị trường.

Vào ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến làng nghề nón lá Phù Việt (xã Thạch Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh) ). Ở đây, có một cụ bà hơn hai phần ba thế kỷ gắn bó với nghề. Đó là cụ Nguyễn Thị Lưu (90 tuổi) – “di sản sống” níu giữ văn hóa của làng.

Cụ kể, bản thân bén duyên với nghề làm nón lá từ lúc 5 tuổi, rồi gắn với nghề cả đời, đến nay đã hơn 80 năm làm nón, cụ không nhớ mình đã chằm (đan) được bao nhiêu chiếc nón.

Cụ Lưu miệt mài chằm (đan) nón lá. Ảnh: Trần Tuyên

“Nghề nón lá có từ khi nào người dân Phù Việt cũng không ai hay, chỉ nhớ là do tổ tiên, cha ông để lại. Ngày đó, do nhu cầu đối với loại hàng này nên nhà nhà làm nón, từ già đến trẻ ai cũng biết chằm nón.

Chiếc nón lá được làm ra với nhiều công đoạn, trong đó làm khung, chọn lá và chằm nón là những công đoạn chính. Tuy là nghề phụ, chỉ làm trong thời gian nông nhàn nhưng cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt”, cụ Lưu tâm sự.

Dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày cụ vẫn chằm được 2 chiếc nón. "Nghề này đòi hỏi sự đam mê, công phu, chịu khó, khéo léo và cẩn thận" - cụ Lưu chia sẻ về "bí quyết" thành công.

Chính niềm đam mê từ nhỏ đã đưa cụ Lưu trở thành một trong những người có tài chằm nón có tiếng trong vùng. Và cụ cũng không ngờ rằng mình sẽ là người chứng kiến những thăng trầm nghề nón lá của làng.

Cụ Lưu cho biết, hiện làng nghề nón lá Phù Việt chỉ còn khoảng 15-20 người lành nghề, chủ yếu từ độ tuổi 45 đến 70. Nay giá bán thấp, lượng tiêu thụ ít dần, nguyên liệu làm nón cũng phải nhập từ nơi khác về, làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một.

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi không ngừng của thị trường hàng hóa, các làng nghề thủ công phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là người trẻ không mặn mà với nghề truyền thống, yếu tố “cha truyền con nối” dần mất đi. Làng nghề trở nên “yếu ớt” trước cơn lốc của thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tìm hướng đi cho việc duy trì bảo tồn nghề làm nón lá, chính quyền địa phương cần phải có những biện pháp hỗ trợ để quy hoạch và phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, chính bản thân làng nghề cũng cần có thay đổi về mẫu mã, tích cực quảng bá thương hiệu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn