MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cánh đồng lúa của xã Sơn Bình bị ngập 2 ngày nay vẫn chưa thoát được. Ảnh: Sỹ Thông

Hà Tĩnh: Xã phía trên “cầu cứu” xã phía dưới cứu lúa trong tuyệt vọng

Sỹ Thông LDO | 30/04/2021 17:35

UBND xã Sơn Bình đã năn nỉ khẩn thiết xã Sơn Trà (Hương Sơn - Hà Tĩnh) xin được khơi thông dòng chảy một chiếc cống để cứu hàng chục hécta lúa của người dân xã này đang bị nhấn chìm trong nước, nhưng không được chấp nhận.

Ngày 30.4, ông Nguyễn Song Hào - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (Hương Sơn - Hà Tĩnh) cho biết, trận mưa lớn vào tối 28.4 đã khiến rất nhiều diện tích hoa màu và lúa địa phương bị nhấn chìm trong nước. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là cánh đồng lúa 11 (khoảng 40 hécta) của xã bị ngập hoàn toàn.

Người dân xã Sơn Bình ra cầu Đá, mong chính quyền xã Sơn Trà khơi thông dòng chảy để cứu lúa nhưng bất lực. Ảnh: Sỹ Thông

Sau hai ngày trôi qua, thấy nước rút rất chậm, nguy cơ số diện tích lúa nói trên có thể mất trắng, người dân đi tìm hiểu thì phát hiện, dòng chảy tại cầu Đá thuộc địa phận xã Sơn Trà đã bị tắc. Trước tình thế trên, chính quyền xã Sơn Bình đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Hương Sơn rồi cùng với người dân ra điểm cầu bị tắc đề nghị xã Sơn Trà cho khơi thông dòng chảy.

“Chính quyền xã Sơn Trà có ra xem thực tế nhưng sau đó họ im lặng bỏ về và không đồng ý cho người dân Sơn Bình và Sơn Châu khơi dòng chảy dưới cầu”, anh Lê Văn Lương, xã Sơn Bình phản ánh.

Do phía xã Sơn Trà không đồng ý mở cống nên hàng chục người dân ở xã Sơn Bình và Sơn Châu có lúa bị ngập đã tập trung cả buổi sáng (30.4) tại cầu Đá, mong sự chỉ đạo kịp thời từ UBND huyện Hương Sơn nhưng không được toại nguyện.

“Riêng diện tích lúa của gia đình tôi bị ngập đã lên tới 7 hécta. Chỉ cần xã Sơn Trà đồng ý là chúng tôi thuê máy múc làm trong vòng 15 phút là xong. Không phải lúa của xã này ngập nên họ không xót”, anh Lương bức xúc.

Ngoài diện tích lúa ở cánh đồng 11,thì một phần diện tích ở cánh đồng Tranh của xã Sơn Bình và một phần dịch tích lúa của người dân thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu cũng đang chịu cảnh nược phủ ngập bông.

Chị Phan Thị Thắm, thôn Sinh Cờ (Sơn Châu) bức xúc: “Nếu xã Sơn Trà không cho khơi thông dòng chảy thì rất nhiều hộ dân ở xã Sơn Châu sẽ mất trắng vụ lúa này. Riêng nhà tôi có nguy cơ mất 1,4 héc ta”.

Trước thông tin chính quyền xã Sơn Trà không phối hợp để “cứu lúa” của người dân ở xã khác, ông Lê Văn Bằng-Chủ tịch UBND xã Sơn Trà giải thích, cầu Đá trước đây là bãi tràn nên có có nền cũ rất cao, do vậy nước không thể chảy hết được. Hơn nữa, cầu Đá là do huyện thiết kế và xây dựng nên xã không thể tùy tiện cho múc để khơi thông dòng chảy.

“Trước đây, xã Sơn Trà có xây thêm kè ở đáy cầu mục đích là để tích nước nhưng sau đó đã đập bỏ. Về sự việc hiện tại, xã đã báo cáo lên với huyện Hương Sơn và đang chờ quyết định của huyện để xử lý”, ông Bằng thông tin thêm.

Theo quan sát, mực nước ở đáy cầu Đá lên đến điểm tràn hiện tại theo người dân đo được là 1,3m. Do điểm tràn quá cao, lại bị ngăn bởi một lớp đất, đá và nhiều vật cản khác khiến nước ở đây bị ứ lại, đã dẫn đến một số diện tích đất lúa của xã Sơn Bình và Sơn Châu không thoát được nước, dẫn đến bị ngập cục bộ.

Cầu Đá cũng là điểm thoát nước cuối cùng trong việc tiêu lũ cho các xã như Sơn Châu, Sơn Bình và Sơn Trà trước khi đổ ra sông Ngàn Sâu ở cầu Hói Hiên thuộc xã Sơn Long.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết đã giao Phó Chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp chỉ đạo xử lý, mở cống để cứu lúa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn