MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 3.1, hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng bị thu phí cảng biển.

Hải Phòng: Địa phương đầu tiên thu phí cảng biển

HOÀNG HOAN LDO | 04/01/2017 07:11
Sáng ngày 3.1, sau kỳ nghỉ lễ, là ngày đầu tiên UBND TP. Hải Phòng tổ chức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí cảng biển). Theo ghi nhận tại các điểm thu phí, DN đến làm thủ tục khá đông vì sau ngày lễ nhu cầu thông quan hàng hoá khá cao. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến phản ánh phản đối việc thu phí và cho rằng mức phí thu như vậy là quá cao.

Doanh nghiệp phản ứng

Ngày 13.12.2016, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành nghị quyết về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện tích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Nghị quyết quyết nghị, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh có sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng… sẽ phải đóng phí (trừ hàng phục vụ quốc phòng và cứu trợ nhân đạo). Mức phí được quy định cho hàng tạm nhập tái xuất từ 2,2 - 4,8 triệu đồng/container tuỳ theo loại conatiner 20 - 40 feet. Riêng hàng rời, phí là 50.000đ/tấn.

Đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu mức phí từ 500.000đ - 1.000.000đ/container. Hàng xuất, nhập khẩu mức phí từ 250.000đ/contairer loại 20 feet, 500.000đ/container loại 40 feet. Hàng lỏng, hàng rời mức phí là 20.000đ/tấn.

Sau khi có nghị quyết của HĐND, ngày 26.12.2016, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp thực hiện thu phí cảng biển nói trên, giao UBND quận Hải An là đơn vị được uỷ quyền thực hiện việc thu phí. Doanh nghiệp kinh doanh cảng chỉ cho phép đưa hàng hoá ra vào các cảng khi đã có đủ hồ sơ, thủ tục của hải quan và chứng từ thu phí cảng biển.

UBND quận Hải An cũng đã thông báo 15 địa điểm thu phí, tập trung chủ yếu ở khu vực đường Lê Thánh Tông và khu vực Đình Vũ.

Ngay trong sáng 3.1, khi được hỏi ý kiến về việc thu phí cảng biển của TP. Hải Phòng, phần lớn cho rằng việc thu phí như vậy sẽ gây khó khăn thêm cho các DN. Đại diện Cty Thái Minh (Hải Phòng) cho biết: Trung bình mỗi tháng, Cty làm thủ tục nhập 3 - 5 chuyến tàu loại từ 7.000 - 10.000 tấn hàng hoá. Nếu tính theo mức phí quy định, mỗi chuyến tàu Cty phải đóng phí từ 140 triệu đồng trở lên. Cộng thêm với đó là thời gian để đi làm thủ tục thu phí cũng tăng lên.

“Vì vậy, chúng tôi cũng phải tính toán việc chuyển sang địa phương khác chưa bị tính thuế” - đại diện Cty Thái Minh cho biết.

Một DN khác thì cho rằng, cơ sở hạ tầng, đường sá ra cảng của Hải Phòng thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ làm hàng của các DN, giờ thành phố lại thu phí cảng biển sẽ càng gây khó khăn cho DN hơn.

Trước đó, vào ngày 31.12.2016, trong Hội nghị triển khai quyết định thu phí cảng biển do UBND TP. Hải Phòng tổ chức, ông Nguyễn Tường Anh - Phó TGĐ cảng Hải Phòng - cũng đã nêu ý kiến. Theo ông Tường Anh, Hải Phòng tiến hành thu phí trong khi tỉnh bạn Quảng Ninh không thu, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp lựa chọn Quảng Ninh để lưu thông hàng hóa tránh phí cảng biển. Nếu các DN chuyển địa điểm để thông quan hàng hoá sẽ gây khó khăn cho cảng Hải Phòng và ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của NLĐ.

Phí dùng để đầu tư lại hạ tầng

Ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thu phí tại các cửa khẩu biên giới đất liền ngày 3.8.2016 và ý kiến của Bộ Tài chính về việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu ngày 31.10.2016, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc thu phí cảng biển.

Theo ông Lê Thanh Sơn, nhiều năm nay, hạ tầng dịch vụ công cộng của Hải Phòng liên tục bị xuống cấp vì luôn trong tình trạng quá tải do lượng hàng thông qua cảng tăng nhanh. Vì vậy, việc thu phí để đầu tư lại cho kết cấu hạ tầng, dịch vụ tiện tích công cộng là hoàn toàn phù hợp. Theo dự kiến, mỗi năm, Hải Phòng sẽ thu được khoảng 1.500 tỉ đồng để đầu tư trở lại cho các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích khu vực cửa khẩu cảng.

Về thông tin cho rằng DN sẽ chuyển sang các địa phương khác để thông quan hàng hoá, ông Sơn cho rằng: Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện việc thu phí, nên một số DN phản ứng cũng là bình thường. Nhưng xét về lâu dài cũng như các tiện ích khác, các DN sẽ phải cân nhắc cụ thể. “Cùng với thực hiện việc thu phí, Hải Phòng sẽ xem xét, sau thời gian sẽ điều chỉnh mức phí cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc thu phí cũng đã được tính toán để không ảnh hưởng đến tốc độ thông quan hàng hoá của các DN” - ông Sơn nói.

Đại diện cảng Cái Lân (Quảng Ninh) cho biết: Đơn vị này cũng chỉ mới nghe thông tin việc TP. Hải Phòng thu phí cảng biển. Vì mới thực hiện ngày đầu tiên nên cũng chưa thấy các DN phản ánh và cũng chưa thấy biến động về lượng hàng thông qua khu vực các cảng thuộc tỉnh Quảng Ninh.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn