MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường biến thành sình lầy vì thi công dự án quá lâu - ảnh HH

Hải Phòng: Gần 20.000 dân khổ sở vì đường biến thành sình lầy

H.Hoan LDO | 08/01/2019 08:34

Nhiều ngày nay, người dân tại xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng vô cùng khổ sở vì con đường trục chính dẫn vào xã biến thành dòng sông sình lầy, làm việc đi lại, giao thông của người dân vô cùng khó khăn.

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do đường đầy đất bùn nhão, làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông.

Anh Nguyễn Hoàng Lành – 47 tuổi, trú tại thôn Tân Thanh, xã Đại Bản cho biết: Cách đây khoảng 3 tháng, có người đến đào đường để làm cống thoát nước đoạn đường trục chính của xã kéo dài từ Quốc lộ 5 về đến trụ sở UBND xã.

Người dân đã rất vui mừng, những tưởng đường sẽ được cải tạo lại. Nhưng sau đó, nhà thầu chỉ đào đường để làm cống ngầm, rồi bỏ mặc những đống đất cao tại đó, khiến người dân không thể lưu thông được. Hằng ngày, hàng chục ngàn người vẫn lưu thông trên còn đường bỗng nhiên không đi lại được, phải đi đường phụ xa hơn.  

Những đống đất được đào lên nhưng không được san lấp nhiều ngày, ảnh hưởng đến lưu thông của người dân

Theo anh Lành, có thời điểm lên đến gần 1 tháng, con đường này gần như bị bít chặn không đi lại được.

Do đó, những nhà mặt đường đã phải tự bảo nhau lấy dụng cụ san gạt để có mặt đường có thể tạm lưu thông được, nhưng việc đi lại cũng vô cùng khó khăn.

Đáng ngại hơn, là những ngày gần đây, trời mưa nhiều nên đoạn đường trên biến thành dòng sông sình lầy, bùn đất bám đầy xe và chân tay người lưu thông.

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường, các xe va chạm do đâm phải vũng sình lầy và những đống đất trên đường. Nhiều cháu nhỏ trước đó tự đạp xe đi học thì nay thường xuyên bị ngã, quần áo bê bết bùn đất...

Ngày mưa, đường biến thành dòng sông sình lầy - ảnh HH

Ông Đỗ Tiến Hiệp, một người dân tại khu vực xóm Đình Nước, xã Đại Bản cho biết thêm: Việc thi công quá lâu, sau đó không trả lại hiện trường sớm đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân trong xã. Người dân chỉ mong muốn được sửa chữa đường nhanh chóng, hoặc nếu không thì đơn vị thi công cũng phải có phương án hoàn trả lại mặt đường để người dân thuận tiện lưu thông.

Trao đổi với Lao Động, ông Mai Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Đại Bản - cho biết: Xã Đại Bản là một xã có đông dân, với khoảng 18.500 nhân khẩu.

Về việc làm đường, theo ông Thư, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Huyện An Dương. Dự án làm lại trục đường từ QL5 vào đến trụ sở xã được bố trí nguồn vốn trong 3 năm (từ 2018 - 2020). Năm 2018, huyện chỉ bố trí kinh phí làm cống thoát nước, còn việc làm mặt đường phải đợi năm 2019 - 2020 mới thực hiện được.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không đợi đủ kinh phí hãy thực hiện dự án hoàn chỉnh, hoặc nếu làm cống thì phải có phương án hoàn trả mặt bằng để dân đi lại thuận tiện, ông Thư nói rằng việc đó do chủ đầu tư thực hiện và chịu trách nhiệm.

 

Ông Đỗ Khắc Hùng – Giám đốc Ban quản lý huyện An Dương – đơn vị chủ đầu tư dự án đoạn đường trục chính xã Đại Bản, khi được trao đổi về hiện trạng con đường, ông Hùng cho biết do một số vướng mắc nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nhưng khi được hỏi theo kế hoạch được phê duyệt, khi nào con đường sẽ hoàn thành, thì ông Hùng nói “sẽ cung cấp thông tin sau”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn