MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xưởng tái chế rác thải nhựa bà Phạm Thị Mây được người dân phản ánh là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Ảnh ĐL

Hải Phòng: Hàng trăm hộ dân bị "tra tấn" bởi xưởng tái chế rác thải nhựa

Đặng Luân LDO | 14/07/2020 13:32

Trong thời gian dài, khoảng 500 hộ dân Tổ dân phố số 5 phường Lãm Hà (Kiến An, Hải Phòng) bị "tra tấn" bởi mùi khí thải từ việc thu gom, tái chế rác thải nhựa của các cơ sở tư nhân.

Nhiều gia đình phải sơ tán vì mùi nhựa

Vừa qua, Báo Lao Động nhận được phản ánh của người dân Tổ dân phố 5 phường Lãm Hà (Kiến An, Hải Phòng) về tình trạng ô nhiễm không khí do 2 xưởng thu gom, tái chế rác thải nhựa của ông Nguyễn Văn Toàn và bà Phạm Thị Mây. Cụ thể, 2 xưởng thu gom, tái chế nằm ở cuối đường Hoàng Công Khanh (Kiến An) mùi khói đốt rác thải nhựa âm ỉ ngày đêm khiến người dân cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, nhất là thời điểm mùa hè oi bức.

Rác thải nhựa được tập kết từ cổng xưởng ông Nguyễn Văn Toàn. Ảnh ĐL

Ghi nhận của PV chiều 13.7, từ cổng cơ sở của ông Nguyễn Văn Toàn, hàng trăm bao, cọc nhựa xếp ngổn ngang, rác thải nhựa “thập cẩm” từ vỏ bình nước đến vỏ chai, bao bì, bạt ni – lông… trải dọc lối đi. Cách đó không xa, Xí nghiệp 22-12 của bà Phạm Thị Mây “ngoại bất nhập” khi hàng rào, cổng che chắn kín mít. Mùi khét, hôi từ nhựa bốc lên khó chịu.

Ông L., (66 tuổi) người dân sống gần 2 xưởng tái chế nhựa cho biết: “Trước đây đã có hiện tượng mùi hôi, khét bốc lên từ xưởng ông Toàn nhưng không đáng kể. Từ khi có thêm hộ bà Mây, mùi khét nồng nặc. Chưa kể, chúng tôi lo ngại nước thải từ hoạt động sản xuất thải trực tiếp ra môi trường, ra sông Lạch Tray gây ô nhiễm nguồn nước”.

Ông Phạm Hữu Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố 5 cho biết, trong 3 hộ sản xuất nhựa tái chế, hộ ông Lã Văn Nam mới bị cháy toàn bộ xưởng tháng 6 vừa qua, còn lại hộ ông Nguyễn Văn Toàn và bà Phạm Thị Mây. Riêng hộ bà Mây mới chuyển về địa bàn từ cuối năm 2019 gây ô nhiễm hơn cả. Từ phản ánh của người dân, ông Hải nhiều lần có ý kiến trong các cuộc họp tại phường. Bản thân ông Hải nhiều lần qua các cơ sở để nhắc nhở về việc bảo đảm môi trường nhưng chỉ được 1-2 ngày lại đâu đóng đấy. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải chuyển đi nơi khác vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.

Bất chấp quyết định xử phạt của chính quyền

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Đức Việt – Chủ tịch UBND phường Lãm Hà cho biết, chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của người dân và nhanh chóng vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra tại cơ sở này. Ba cơ sở tái nghiền, tái chế nhựa phế thải được xác định là của ông Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1962), diện tích khoảng 1.500 m2; Lã Văn Nam diện tích khoảng 350 m2, bà Phạm Thị Mây (sinh năm 1976) diện tích khoảng 800 m2. 

Từng bao rác thải nhựa chất ngổn ngang quanh các xưởng tái chế. Ảnh ĐL

Qua buổi kiểm tra vào cuối tháng 5.2020, ngày 15.6.2020, UBND phường Lãm Hà đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, xử phạt cơ sở bà Phạm Thị Mây 5 triệu đồng do thực hiện hành vi vi phạm đang hoạt động không có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động kinh doanh có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường mà không có bản kế hoạch theo quy định tại điểm c, d Khoản 1 điều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP; phạt cơ sở ông Nguyễn Văn Toàn 3 triệu đồng do hoạt động kinh doanh có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường mà không có bản kế hoạch theo quy định

Ngoài ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền, UBND phường đề xuất UBND quận Kiến An và các cơ quan chức năng làm rõ mức độ vi phạm ô nhiễm môi trường, có hình thức xử phạt những hành vi vi phạm khác của các cơ sở. Tuy nhiên đến nay chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Ngay như việc thực hiện quyết định của UBND phường về xử lý vi phạm hành chính, sau thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính (10 ngày kể từ ngày ra quyết định), đến nay, các hộ ông Toàn, bà Mây vẫn chây ỳ chưa thực hiện.

Hiện, đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An đang vào cuộc điều tra hành vi vi phạm của các cơ sở thu gom tái chế rác này. Mặc dù chưa có kết quả xác định mức độ gây ô nhiễm, song, chính quyền địa phương và hơn 500 hộ dân Tổ dân phố 5 đều mong các cơ sở sớm dừng hoạt động, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn