MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa thông xe đã dọa đóng cửa để "yêu sách"

Thanh Hải LDO | 13/01/2021 17:28

Dự án mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân thành hầm giao thông thứ 2 với hình thức BOT, tổng đầu tư hơn 8.500 tỉ đồng, do Cty CP Đèo Cả đã ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT vừa hoàn thành, thông xe. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư sẽ chỉ cho lưu thông 20 ngày dịp tết Nguyên đán, sau đó sẽ đóng để giải quyết vướng mắc.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết nguyên nhân sẽ đóng cửa là do còn vướng một số cơ chế chưa giải quyết xong.

Quốc lộ 1A là tuyến huyết mạch giao thông quốc gia. Hầm Hải Vân là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, được xem là công trình thế kỷ của ngành giao thông vận tải Việt Nam khi chính nhà thầu, thi công trong nước thực hiện. Đặc biệt, đây là mong chờ của người dân cả nước khi hầm 1 của Hải Vân đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn và gia tăng tai nạn ở 2 đầu đường dẫn.

Nhưng niềm vui ngày khánh thành, thông xe chưa vẹn, thì dư luận đã ngỡ ngàng trước thông tin sẽ đóng cửa sau 20 ngày vận hành. Nguyên nhân lại không liên quan gì đến kỹ thuật đường bộ.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên chủ dự án- Cty CP Đèo Cả dọa đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân. Trước đó, cuối 10.2018, Cty Đèo Cả đã dọa đóng hẳn hầm đường bộ Hải Vân (lúc đó chỉ 1 hầm) vì thiếu nợ 2,6tỷ đồng tiền điện. Thực chất là "yêu sách" vì nhà nước chưa giải ngân, ứng vốn để mở hầm số 2 và sửa chữa, vận hành hầm số 1. Cty này đã nhiều lần "đòi" được thu phí trước để thực hiện dự án, kể cả việc đòi thu phí trên cao tốc La Sơn - Túy Loan để lấy vốn mở hầm Hải Vân 2, nhưng không thành.

Trước đó, tháng 10.2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết (số 439/NQ-UBTVQH14 - 30.10.2017), trong đó có quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng (còn lại trong tổng số hơn 4.900 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ dành cho dự án hầm đèo Cả, Cổ Mã của Cty CP Đèo Cả).

Đây chính là nguyên nhân sâu xa tạo ra nguy cơ vỡ phương án tài chính của chủ đầu tư Đèo Cả, và cũng là cớ để Cty này đòi đóng của hầm đường bộ Hải Vân, "yêu sách", đòi giải ngân theo cam kết của Bộ GTVT trong hợp đồng BOT của dự án mở động hầm Hải Vân 2.

Xin nhắc lại, từ 2012, khi ngành Đường bộ Việt Nam tổ chức thu phí đường bộ theo "đầu xe", thông qua đăng kiểm, các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đều ngừng thu - trừ các dự án BOT. Hầm đường bộ Hải Vân cũng ngừng hoạt động từ thời điểm đó.

Tuy nhiên, trạm thu phía Bắc hầm Hải Vân 1 vẫn duy trì để thu phí BOT cho dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng (Của Cty CP Phước Tượng - Phú Gia), và mới đây tăng phí để thu hộ cho dự án hầm Hải Vân 2 của Cty CP Đèo Cả.

Trước đó, Cty CP Đèo Cả đã từng "ứng trước" tiền của nhân dân để xây dựng hầm Cổ Mã và đèo Cả (QL 1A). Bởi, đến cuối 2017, dự án hầm đường bộ đèo Cả và Cổ Mã mới hoàn thành, khai thác, nhưng Cty CP Đèo Cả đã được phép thu phí trước tại 2 trạm Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa) gần 6 năm - từ 2012 để phục vụ dự án.

Thành công này đã khiến Cty CP Đèo Cả liên tục "yêu sách" nhà nước về việc cho thu phí trước khi hoàn thành dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 và nay lại dọa đóng cửa?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn