MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Hạn chế khiếu kiện phức tạp, kéo dài bằng phát huy dân chủ

Đỗ Văn Nhân LDO | 02/06/2016 08:00
Thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH, ngày 20.4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo quy định của Pháp lệnh, người dân có quyền biết những vấn đề mà theo quy định phải công khai; người dân được bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề theo quy định của Pháp lệnh... qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là cơ chế giám sát hiệu quả của nhân dân đối với bộ máy nhà nước, hạn chế những tiêu cực, sai trái của cán bộ, công chức trong việc thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao. 

Ngày 29.11.2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) này đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường tính công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Trong những năm qua, tình hình khiếu kiện kéo dài, vượt cấp đang có chiều hướng gia tăng liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: người dân không rõ lý do thu hồi đất, diện tích đất và vị trí thu hồi; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được tổ chức lấy ý kiến đối với người thu hồi đất; mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng….  

Vì nhiều lý do khác nhau mà các chủ đầu tư dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường không thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: không công khai các nội dung liên quan đến thu hồi đất, không tổ chức lấy ý kiến của người bị thu hồi đất… Nhiều dự án chuẩn bị triển khai thì người dân mới biết vị trí đất mình đã bị quy hoạch từ lâu, nay mới tiến hành thu hồi nên phát sinh khiếu kiện. 

Khi tiến hành bồi thường, lợi dụng việc không công khai phương án bồi thường và sự thiếu hiểu biết của người dân nên các chủ đầu tư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường đã ăn chặn tiền bồi thường của người dân; hoặc khi cấp đất tái định cư thì những vị trí thuận lợi luôn thuộc về những đối tượng là người quen thân với cán bộ, hoặc người được cấp đất tái định cư tìm mọi cách móc nối với người có thẩm quyền cấp đất để được vị trí thuận lợi nhất. Vì lý do đó mà tình hình khiếu kiện trong lĩnh vực này không hề giảm trong những năm qua, nhiều vụ khiếu kiện tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, thậm chí có lúc, có nơi vì người dân quá bức xúc nên đã chống lại người thi hành công vụ. 

Sở dĩ có tình hình khiếu kiện phức tạp như vậy là vì còn có hiện tượng chưa thực sự dân chủ trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Do đó, cần phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc để người bị thu hồi đất được quyền kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Nếu trong quá trình triển khai người dân có ý kiến thắc mắc, khiếu kiện về một vấn đề nào đó thì chủ đầu tư phải giải thích để người có đất bị thu hồi được rõ hoặc thỏa thuận cụ thể với người có đất bị thu hồi nhằm tạo nên sự đồng thuận số đông, có được như thế thì việc triển khai dự án mới được thuận lợi và đúng tiến độ đặt ra. 

Để làm được như thế, vấn đề dân chủ phải thực hiện ngay từ khâu thu hồi đất như: Thông báo thu hồi đất phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khi tổ chức đo đạc diện tích đất và kiểm điếm tài sản gắn liền với đất phải thông báo và làm việc trực tiếp với người bị thu hồi đất để xác định ranh giới cụ thể, nhằm làm cơ sở cho việc đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất. 

Đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngoài nội dung của phương án phải thể hiện đầy đủ các thông tin theo quy định thì phải tổ chức họp dân để phổ biến trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi; niêm yết công khai phương án tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi để người có đất bị thu hồi và những người có liên quan tham gia ý kiến đối với tất cả các nội dung của phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 

Trên cơ sở đó, tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý để có sự giải thích cụ thể, thỏa đáng hoặc điều chỉnh những nội dung trong phương án phù hợp những nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng không trái quy định của pháp luật. Ngoài những nội dung cơ bản này, thì chủ đầu tư thì công khai các nội dung khác có liên quan như quyết định thu hồi đất, thông báo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải thực hiện dân chủ đầy đủ, nghiêm túc ở tất cả các khâu. Vướng mắc ở khâu nào phải tháo gỡ và giải quyết ở khâu đó và phải có sự tham gia của người có đất bị thu hồi là yếu tố quyết định. 

Có như vậy, mới hạn chế tình trạng khiếu kiện liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện nay mà nguyên chính là do mất dân chủ trong quá trình thực hiện gây ra.                                  Đỗ Văn Nhân Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, Kon Tum


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn