MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng chục tấn cá nổi trắng sông Krông Nô

Phan Tuấn LDO | 10/05/2023 11:33

Mấy ngày nay, trên sông Krông Nô nối Sêrêpôk nằm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xảy ra tình trạng hàng chục tấn cá chết trắng nổi lềnh bềnh trên sông. Có nhiều nguyên nhân khiến cá chết, trong đó nhiều khả năng do tình trạng khai thác cát làm đục nước và lưu lượng xả nước của thủy điện thấp. 

Nhiều tấn cá của người dân bị chết trắng. Ảnh: Phan Tuấn

Sông Krông Nô nối Sêrêpôk chảy qua xã Ea Na và xã Buôn Choah giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông dài khoảng 5 km.

Ở khu vực này có khoảng 20 hộ gia đình và trang trại nuôi cá trên lồng, bè với sản lượng hàng năm đạt từ 250 - 300 tấn cá thương phẩm. Hiện, mỗi ngày nơi đây có hàng chục tấn cá chết trắng, nổi lềnh bềnh trên sông.

Anh Nguyễn Ngọc Hà - một người dân cho biết, cá chết đột ngột và tăng đột biến như thế là do thời tiết quá nóng. Nhiệt độ đo hằng ngày vào lúc 15h luôn luôn ở mức 37 độ C.

Theo anh Hà, điều đáng nói dòng nước sông Sêrêpôk không chảy do các thủy điện ở đầu nguồn không xả nước, khiến cá thiếu oxy rồi chết. Anh Hà cho biết: "Lúc mới phát hiện, chúng tôi đã kiểm tra cá và khử trùng, nhưng vẫn không ngăn được lượng cá chết. Để xử lý số lượng cá chết nhiều trong ngày, trang trại phải huy động hết nguồn nhân lực vớt cá chết, xử lý theo quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiến hành lắp đặt hệ thống quạt nước trong các lồng, bè để tăng lượng oxy cho cá…". 

Cá chết trắng đã gây thiệt hại rất lớn cho nhiều người dân. Ảnh: Phan Tuấn

Ngoài ra, cũng theo các hộ dân nơi đây, hoạt động khai thác cát đã làm cho dòng sông nhiều thời điểm ô nhiễm, đục ngầu.

Kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản đợt 1 năm 2023 cho thấy, nguồn nước tại vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè sông Krông Ana có hàm lượng phốt phát (P-PO4 3-) vượt mức giới hạn cho phép 2,5 lần. Cùng với đó, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (nước đục không lắng) rất cao (4,9 lần) và sự tồn tại của tảo độc Ceratium SP.

Do đó, ở khu vực này, mật độ cao báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ không an toàn, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi. Vì vậy, cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới.

Liên quan đến sự việc này, Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, mực nước hồ đang ở cao trình xấp xỉ mực nước chết (465m). Do vậy, hồ được khai thác cân bằng với lưu lượng về, đạt khoảng 19m3/s/ngày.

Tuy nhiên, 2 ngày gần đây trời có mưa, nên thời điểm này mực nước đã lên và lưu lượng nước xả ra đã lớn hơn, có thời điểm lên đến 38m3/s/ngày. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn