MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng nhập khẩu được miễn thuế đổ bộ Tiktok shop, Shopee, hàng nội bị đè bẹp

Cường Ngô LDO | 27/04/2024 15:41

TikTok shop là nền tảng thương mại điện tử đầu tiên "khai sinh" ra hình thức bán hàng qua các phiên livestream. Cũng từ đó, những con số doanh thu kỷ lục được ghi nhận gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, việc kiếm tiền trên nền tảng mạng xã hội liệu có đơn giản đến như vậy?

Doanh thu TikTok shop tăng trưởng mạnh

Công ty Phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử vừa công bố Báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý I/2024, cho thấy bốn nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki thu về tổng cộng 79.000 tỉ đồng, tiêu thụ khoảng 768 triệu sản phẩm.

Trong đó, nền tảng TikTok shop với 18.360 tỉ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Đáng chú ý, so với quý trước, nền tảng TikTok Shop tăng 15,5%, "ngược dòng" thị trường và chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, "cắn" vào "miếng bánh" của các nền tảng còn lại.

Dù mới ra mắt từ năm 2022, nhưng sàn thương mại điện tử TikTok shop đang có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay.

Theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ từ nước ngoài về Việt Nam được bày bán tràn ngập trên nền tảng thương mại điện tử.

"Trên nền tảng thương mại điện tử Tiktok shop bán hàng Trung Quốc rất nhiều từ mỹ phẩm, quần áo, hàng gia dụng đến các sản phẩm điện tử. Trong phiên live bán sản phẩm giá đỡ điện thoại thông minh "made in China" có tới gần trăm nghìn lượt đặt; cùng sản phẩm đó, nhưng hàng trong nước bán được ít hơn vì giá cao", anh Đông - một người bán hàng trên nền tảng Tiktok shop cho hay.

Theo anh Đông, không chỉ thường xuyên có hàng loạt những voucher, ưu đãi để hút người mua hàng; sàn thương mại điện tử này còn đang đánh chiếm sự tham gia của các nhà bán hàng bằng mức trợ giá hấp dẫn. "Những ưu đãi khủng đang là vũ khí quan trọng để Tiktok Shop thu hút người mua và người bán", anh Đông nói.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động, nhà văn Hoàng Anh Tú - người có nhiều nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng trên nền tảng mạng xã hội cho biết, đối với Tiktok shop, thời gian đầu, nền tảng này trợ giá cho chủ hàng để phát triển kênh bán hàng của mình, nhưng về sau, những trợ giá của Tiktok shop không còn nữa hoặc rất hạn chế.

Song, những slogan "Tiktok trợ giá", "giảm giá trong phiên live" vẫn được sử dụng như một chiêu dụ khách hàng, tạo ra tâm lý Fomo (hội chứng sợ bỏ lỡ) để khách hàng phải "xuống tiền".

Các nhân viên đóng hàng từ các đơn đã chốt trong phiên livestream trước đó tại Mailystyle trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: DMS

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, việc kiếm tiền trên nền tảng mạng xã hội không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. "Chúng ta luôn nhìn trailer (đoạn phim giới thiệu) của người khác và nghĩ đến bộ phim của cuộc đời mình.

Sự bùng nổ của Tiktok shop trong thời gian vừa qua cũng kéo theo nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái hay các nội dung không được kiểm soát khi truyền tải ảnh hưởng lớn tới người dùng", nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay.

Con đường nào cho hàng Việt?

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt cho biết, hàng Trung Quốc được trợ giá và họ có lợi thế về thuế xuất khẩu, dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc về giá và chi phí vận chuyển là khá lớn.

Điều này đã gây khó khăn cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Họ còn lập các kho hàng sát biên giới các tỉnh phía Bắc Việt Nam, thậm chí đặt kho vào sâu trong nội địa Việt Nam.

"Một lô hàng đi từ Trung Quốc, có kho tập kết ở các tỉnh biên giới vào sâu nội địa Việt Nam chỉ 2-3 ngày, cộng với mẫu mã đa dạng, phí ship thấp... sẽ là một cuộc cạnh tranh không cân sức cho hàng Việt", ông Phú cho hay.

Ông Phú cho rằng, đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt, việc giành được thị phần đã khó, giữ được thị phần còn khó hơn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng với nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ.

Giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán một cách minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, mở rộng cửa đón hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm đang rất cần giải quyết đầu ra khi thu hoạch, để giảm bớt những thiệt hại không đáng có bằng những đợt giải cứu hàng năm thường xuyên xảy ra.

"Chúng ta đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn. Chính vì vậy, sự hợp tác liên doanh liên kết một cách chân thành và trách nhiệm là một điều hết sức cần thiết, chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài", ông Phú cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn