MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên nuôi dưỡng di chuyển đến các điểm trường để đem suất ăn đến cho từng học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hàng trăm "cô nuôi" trường học Hà Nội kiến nghị cải thiện chính sách tiền lương

HẠNH AN LDO | 27/04/2024 06:12

Nhân viên nuôi dưỡng trường học đề xuất tiến hành cải thiện các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp, để họ yên tâm làm việc, cống hiến với nghề, nhất là trong đợt cải cách chính sách tiền lương thực hiện vào 1.7.2024.

Ngày 26.4, phóng viên Báo Lao Động nhận được phản ánh của hàng trăm nhân viên nuôi dưỡng làm việc tại trường mầm non công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội kiến nghị, đề xuất đưa nghề nuôi dưỡng vào Danh sách ngành nghề độc hại; tiến hành cải thiện các chế độ chính sách về tiền lương, các phụ cấp cho những nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non công lập.

Trong danh sách hàng trăm nhân viên này, có người mới theo nghề cô nuôi được vài năm, cũng có người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề. Tất cả họ đều là nhân viên nuôi dưỡng theo hợp đồng 68 hoặc theo Nghị định 111, ngạch kỹ thuật 01.007, hiện đang công tác tại các trường mầm non công lập thuộc Thành phố Hà Nội.

Nhân viên nuôi dưỡng trong khi làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại diện cho nhân viên nuôi dưỡng trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội gửi tâm thư đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, chị Nguyễn Thị Trang - nhân viên nuôi dưỡng tại trường mầm non công lập thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội viết:

Mỗi ngày, chúng tôi có mặt tại khu bếp công nghiệp từ 6h45 để nhận thực phẩm chế biến khoảng 300 đến 800 suất ăn cho trẻ, tùy theo từng đơn vị trường mầm non.

Sau khi nhận thực phẩm, chúng tôi tiến hành sơ chế rồi chế biến bữa ăn chính cho các con. Thời gian chế biến phải chuẩn xác để đảm bảo các điều kiện: Thức ăn được sơ chế sạch sẽ, giữ được dinh dưỡng của thực phẩm, và các trẻ luôn ăn ngon miệng.

Tất cả dụng cụ chế biến hay khay, bát, thìa, khăn, dụng cụ đựng cơm... vận chuyển đến từng lớp, từng điểm trường cũng luôn phải vệ sinh sạch sẽ.

Do không được trang bị xe chuyên dụng nên các cô nuôi tự di chuyển suất ăn bằng xe máy cá nhân đến các điểm trường; làm sao thật nhanh chóng và an toàn để thức ăn được đảm bảo vệ sinh, luôn nóng hổi.

Sau khi trẻ ăn xong, chúng tôi lại tiếp tục đi từng lớp thu dọn và trở về khu bếp để rửa sạch; tiến hành chuẩn bị bữa phụ chiều, bữa chính chiều. Tiếp đó, chúng tôi lại tất bật trở về để dọn dẹp, vệ sinh khu bếp, sẵn sàng chuẩn bị bữa ăn cho các con vào ngày hôm sau.

Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi cũng tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động, phong trào của trường, của ngành phát động, chấp hành tốt các quy định của các cấp, tham gia trực hè, trực tết đầy đủ.

Hàng trăm cô nuôi đồng loạt lên tiếng gửi đơn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ tiền lương. Ảnh: Hạnh An.

Người lao động mới vào làm việc chỉ nhận mức lương khoảng 2,6 triệu đồng/tháng; người có 14 năm công tác cũng chỉ nhận mức lương hơn 4,3 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, chúng tôi không được nhận thêm bất kỳ một chế độ phụ cấp gì.

Chúng tôi phải tranh thủ đi làm thêm những công việc khác như: Đi làm cỗ thuê, đi cấy thuê, đan lát, bán hàng thuê, làm phụ hồ… vào những ngày nghỉ để tăng thêm thu nhập. Khi đồng lương không đủ để trang trải mức sống tối thiểu, chúng tôi phải vất vả mưu sinh. Với cường độ thời gian làm việc căng thẳng, sức khỏe của chúng tôi cũng không được đảm bảo.

Anh, chị, em trong nghề đã nghỉ việc rất nhiều và người còn lại là những người thực sự yêu nghề, yêu trẻ.

Do vậy, một lần nữa, chúng tôi tha thiết kêu cứu tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấu hiểu cho những khó khăn, vất vả của nhân viên nuôi dưỡng trường học; xem xét cho chúng tôi được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, được hưởng mức lương xứng đáng; nhất là trong đợt cải cách chính sách tiền lương thực hiện vào 1.7.2024 tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn