MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tố Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH nhiều tháng. Ảnh: Hà Anh

Haprosimex bị tố nợ lương, BHXH: Bi hài chuyện công ty nợ người lao động

Hà Anh LDO | 03/03/2023 09:02

Phản ánh với Báo Lao Động, ngoài những người lao động tại Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex bị nợ lương, nợ BHXH nhiều tháng thì cũng có người lao động nêu tình trạng muốn về hưu thì họ phải ứng tiền nhà để nộp vào cơ quan BHXH. Tuy nhiên số tiền họ ứng ra không được công ty chi trả. 

Ngày 2.3, Báo Lao Động có đăng bài “Người lao động tố Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH”. Nội dung bài báo có nêu việc do công ty nợ BHXH, BHYT hơn 3 tỉ đồng nên 488 người lao động không được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật, kèm theo đó công ty không nợ lương nhiều tháng với số tiền khoảng 3,3 tỉ đồng… dẫn đến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Sau khi bài báo đăng, Báo Lao Động tiếp tục nhập được phản ánh của người lao động. 

“Giấy nhận nợ” được đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex lập với ông N.T.K. Bản photocopy: NVCC 

Ông N.T.K. (sinh năm 1959, thường trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ông công tác tại văn phòng Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex rất nhiều năm; năm 2017 khi công ty tiến hành cổ phần hoá thì đúng lúc ông đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do công ty nợ BHXH, ông K. không được đủ điều kiện để chốt sổ BHXH dẫn tới không nhận được lương hưu.

“Do cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tôi đã phải đi vay tiền để nộp vào BHXH quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) 40.000.000 đồng để đủ điều kiện chốt sổ BHXH, nhằm được hưởng chế độ hưu trí. Trước khi nộp vào cơ quan BHXH, tôi và Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex có lập “Giấy nhận nợ” - với mục đích “Công ty Haprosimex dùng số tiền này nộp vào BHXH quận Hoàn Kiếm để chốt sổ BHXH cho ông Kiên”; thời hạn trả: “Sớm nhất khi công ty có nguồn thanh toán”. Tuy nhiên từ thời điểm đó (tháng 7.2017) đến nay, tôi đã nhiều lần tìm đến công ty để đòi số tiền trên, nhưng lãnh đạo cứ khất lần, không trả tiền cho tôi” - ông K. bức xúc cho biết.

Ngoài không được Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex trả lại khoản tiền 40.000 triệu đồng, ông K. còn bị công ty nợ 9 tháng lương với số tiền là 31.900.000 đồng…

“Việc tôi bị Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ tiền ứng ra để được chốt sổ BHXH và nợ lương nhiều năm dẫn đến cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi già cả, ốm yếu thì thiếu tiền chữa, khám bệnh, khoản vay 40.000.000 đồng vẫn chưa trả hết. Do đó, thông qua Báo Lao Động, tôi đề nghị lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex chi trả khoản tiền 40.000.000 đồng và thanh toán lương cho tôi” - ông K. nêu ý kiến.

Ngoài trường hợp của ông K. nhiều người lao động cũng đã phản ánh với Báo Lao Động việc họ góp vốn vào công ty từ năm 2017, với số tiền từ 300.000.000 - 600.000.000 đồng… nhưng đến nay họ không được Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex hoàn trả cả vốn lẫn lãi…

Bà Đ.T.H. (sinh năm 1960, thường trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong thời gian bà công tác, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex có quyết định huy động vốn của người lao động để đầu tư sản xuất kinh doanh. Bà H. đã dồn tiền tích luỹ của mình và huy động người thân cho công ty vay số tiền là 646.000.000 đồng; số tiền lãi công ty chưa thanh toán từ năm 2014 đến 31.7.2017 là hơn 440.000.000 đồng; tổng cộng tiền gốc và lãi là hơn 1,086 tỉ đồng…

“Khi đến hạn thanh toán nợ gốc và lãi, tôi đã nhiều lần đề nghị công ty thanh toán, nhưng lãnh đạo công ty khất nợ, không hoàn trả cho tôi. Hiện nay, sức khoẻ của tôi ngày càng đi xuống, trong khi đó Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex không trả khoản nợ dẫn đến cuộc sống gia đình khó khăn, bức bối” - bà H. cho hay. 

Người lao động phản ánh sự việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hà Anh 

Trước đó, phản ánh với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc phân xưởng may Nhà máy dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex, đại diện tập thể người lao động - cho biết, công ty nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ 488 anh chị em công nhân tại xưởng. 

“Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã được bán cho một đơn vị khác. Chúng tôi đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo mới của công ty nhưng không được giải quyết, do đó mọi quyền lợi về lương, chế độ BHXH đều bị “treo”. Giờ đây, người lao động rất bế tắc trong tìm kiếm việc làm cũng như cuộc sống" - bà Huyền cho biết.

Theo bà Huyền mặc dù người lao động đều có tay nghề nhưng do không được đóng, chốt BHXH; công ty không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động… nên dẫn tới người lao động không thể ký hợp đồng với công ty khác, nhiều người phải làm thời vụ với thu nhập thấp. Đặc biệt, do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến thời điểm hiện nay, gia đình họ cũng chưa nhận được chế độ tử tuất… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn