MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hát karaoke bằng loa kẹo kéo: Cần xử lý nghiêm khắc ô nhiễm tiếng ồn

Bảo Hân LDO | 10/07/2020 14:31
Đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.

Đó là đề nghị của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tới Uỷ ban nhân dân thành phố tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 20 khóa IX ngày 9.7.   

Thông tin liên quan đến hát karaoke bằng loa kẹo kéo này dường như đã “đụng” đến nỗi lòng của nhiều người, vì vậy, đã thu hút nhiều thông tin bình luận của bạn đọc. 

Bạn đọc PQK cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn là một trong những loại ô nhiễm cần phải được xử lý nghiêm khắc vì nó tác động rất xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Bạn đọc NgocTam Phung đề nghị phạt thật nặng, cả ngày lẩn đêm luôn nếu vượt quá ngưỡng cường độ âm thanh trên 80 đơn vị dB (decibel) làm ảnh hưởng sức khỏe. “Loa kéo là loại ô nhiễm môi trường, sóng âm thanh rất nguy hiểm”- bạn đọc này cho biết. 

Bạn đọc Minh Nhật cũng bày tỏ đồng tình: Xin cấm tiệt hoạt động hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Đây không phải là tự do ca hát mà là tra tấn tinh thần người khác. Muốn hát karaoke phải vào phòng cách âm. Đã có quá nhiều án mạng vì mâu thuẫn bực bội do tiếng ồn từ karaoke.

Chị Ngô Thị Quyên (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ “dị ứng” với kiểu bán hàng bằng cách dùng loa hát hò ầm ĩ. “Họ bán thì cứ bán hàng thôi, chứ không nên hát hò ầm ĩ, rất nhức đầu”- chị Quyên nói. 

Chị Quyên kể lại trải nghiệm của mình với hát karaoke bằng loa kẹo kéo này tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong chuyến du lịch cùng cơ quan vừa qua.

“Hôm đấy, cả đoàn đang ngồi ăn trong quán hải sản tại bãi biển Nhật Lệ, trò chuyện vui vẻ, thì có một thanh niên đi xe máy chở loa đến hát khiến mọi người không còn trò chuyện được nữa vì tiếng hát ồn quá. Khi thanh niên này đưa các thanh kẹo kéo ra bán, một người trong đoàn đã rút tiền ra mua cho các cháu nhỏ trong đoàn. Thế nhưng, khi trả tiền, 10 chiếc kẹo kéo rất bé mà thanh niên này lấy 100.000 đồng, tức 10.000 đồng/cái. Mặc dù không thoải mái với giá rất đắt này, nhưng người trong đoàn đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” trả tiền. 

Bên cạnh những ý kiến lên tiếng đòi dẹp loại hình hát karaoke bằng loa kẹo kéo này, thì có những ý kiến trung dung hơn. Anh Nguyễn Văn Tân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, cần quản lý hoạt động hát karaoke bằng loa kẹo kéo, ví dụ quy định chỗ nào được phép hát, gây ồn, chỗ nào không. Bởi lẽ nhiều người cũng có nhu cầu giải trí. Ngoài ra, cũng cần đi kèm quy định thời gian cụ thể để tránh “tra tấn” người khác. 

Anh Lê Viết Thắng (Hải Phòng) – một người thường xuyên đi nhậu ở vỉa hẻ và cũng từng có nhiều trải nghiệm với hình thức hát karaoke bằng loa kẹo kéo này thì có góc nhìn khác. Anh Thắng cho rằng: “Về vấn đề này thì có người thích, có người không thích. Bản thân tôi thì thấy karaoke kẹo kéo cũng là một nghề để kiếm sống. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đây là cách để họ mưu sinh. Hơn nữa, khi gần hết cuộc nhậu, đưa họ 20.000 đồng để mình hát, đỡ phải vào quán karaoke. Tuy nhiên, khi đang nhậu, có chuyện buồn mà cũng phiền thật” - anh Thắng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn