MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hãy tranh thủ sống cạnh cha mẹ khi còn có thể!

Tuyền Từ LDO | 27/08/2022 18:56

Dù đời sống hiện nay đã có nhiều thay đổi, đạo hiếu cũng được nhìn nhận ở các khía cạnh khác nhau nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn được ở cạnh cha mẹ nhiều nhất có thể. Và tôi tin bất kỳ đứa con nào sống xa nhà, cũng có suy nghĩ như vậy.

Một năm về trước, khi vợ chồng tôi dự định về quê thăm cha mẹ thì tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM trở nên căng thẳng.

Lo ngại cho sức khỏe, chúng tôi đành phải chấp nhận trả lại vé xe. Lời hứa về quê cùng với cha mẹ lại không thể thực hiện. Gọi điện cho cha mẹ thông báo, ai cũng động viên: “Dịch bệnh như thế này, ở lại thành phố đi con ạ. Đừng mạo hiểm, cha mẹ lo lắm”. Dù tự nhủ là thế nhưng phía sau lời nói ấy tôi biết là rất nhiều mong ngóng và trống vắng.

Tôi đã từng nghĩ, nơi tôi sống cách quê nhà chỉ khoảng vài tiếng đi xe ôtô. Vợ chồng tôi cùng quê nên việc về thăm cha mẹ đôi bên càng tiện.

Nhưng bản thân lại không biết rằng, càng trưởng thành, nhiều công việc hơn, tôi lại càng khó thu xếp để quay về. Sau khi có con nhỏ, việc muốn về thăm cha mẹ lại càng nan giải hơn. 

Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra cho đến khi một buổi tối trong mùa dịch năm 2021, tôi nghe được tin dữ từ em trai. Cả gia đình tôi ở quê đều trở thành F0.

Khi cùng nhập viện, mẹ tôi vẫn còn tương đối tỉnh táo. Sợ tôi lo lắng, mẹ còn nhắn tin động viên và bảo tôi rằng: “Mẹ không sao. Mẹ điều trị khỏe, sẽ quay trở về nhà thôi con ạ”. Nhưng thật không ngờ đó lại là tin nhắn cuối cùng của mẹ. 

Bệnh tình của mẹ tôi đột ngột trở nặng chỉ trong vài ngày sau đó. Mẹ cứ thế ra đi trong một buổi chiều mưa gió tầm tã, bỏ lại cha và anh em chúng tôi ngơ ngác trước biết bao xót xa. Giữa cơn đau đớn tột cùng, tôi lặng lẽ bật khóc. Cũng bởi tôi hiểu trong mọi sự mất mát trên thế gian này, mất mẹ là nỗi đau giằng xé lớn nhất với mỗi người con.

Càng đau xót hơn khi sau đó một tháng, tôi quay trở về quê, ký tên vào biên bản nhận lại các vật dụng cá nhân của mẹ. Vật dụng của mẹ tôi chỉ vỏn vẹn vài thứ: một cái mắt kính, một cái điện thoại và hàm răng giả. Nhìn những di vật ấy khiến tôi nhớ khi còn sinh thời, mỗi dịp theo cả nhà đi ăn uống ở bất kỳ đâu, mẹ thường chỉ ăn những món mềm, được ninh nhừ.

Tôi nói mãi mẹ mới chịu đến bệnh viện làm hàm răng giả này. Tôi nhớ hôm hai mẹ con cùng đến bệnh viện, mẹ còn bảo: “Đi làm răng một mình, mẹ mới lo, chứ có con cùng đi thì mẹ không sợ nữa. Con ráng sắp xếp công việc, đưa các cháu về với cha mẹ nhé”. Tôi, trong thời điểm ấy, chỉ gật đầu qua loa nhằm mục đích trấn an mẹ, chứ chẳng biết khi nào mới có thể trở về nhà cùng cha mẹ.

Bản thân tôi từng đọc được đâu đó những dòng chia sẻ rất hay: Giả sử một người có thể về nhà với bố mẹ 7 ngày trong Tết Nguyên đán và dành nhiều nhất 11 giờ mỗi ngày để trò chuyện, gần gũi với họ. Nếu bố mẹ bây giờ 60 tuổi và họ sống đến 80 tuổi, chúng ta thực sự chỉ có thể ở bên họ 1.540 giờ nữa. Con số đó tương đương với 64 ngày mà thôi.

Khoảng thời gian sau dịch bệnh, khi quay trở lại nhịp sống “bình thường mới”, tôi đã sắp xếp công việc, quay trở về nhà để hội ngộ cùng cha và các em.

Những đêm trăng lên đỉnh đầu, hai cha con tôi vẫn thường bắc ghế ra sân ngồi, nhìn lên trời cao và khắc khoải nhớ đến mẹ. Mong rằng ở một nơi xa xôi nào đó, mẹ có thể nhìn thấy ánh trăng đoàn viên này...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn