MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ lụy của việc mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Ảnh: Đình Trường

Hệ lụy của việc mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng

Minh Hạnh LDO | 23/03/2023 07:41

Tình trạng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép tràn lan đang nở rộ trên không gian mạng, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe mới giải quyết được vấn đề nhức nhối này.

Hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để hoạt động mua bán thông tin dữ liệu cá nhân. Việc này không chỉ diễn ra đơn lẻ giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Năm 2022, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá 3 chuyên án và khởi tố nhiều bị can trong đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Theo thống kê, hiện số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt hơn 68 triệu người (trên 70% dân số). Trong khi đó, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức khác nhau.

Tin nhắn của giáo viên khuyến cáo phụ huynh cảnh giác với các chiêu lừa đảo. Ảnh chụp từ điện thoại.

Theo các chuyên gia, với thực trạng như hiện nay, việc thiếu chế tài, hoặc chế tài xử lý không đủ mạnh, không đủ sức răn đe sẽ không giải quyết được tình hình. Nhiều vụ lừa đảo qua mạng và điện thoại gần đây cũng bắt nguồn từ việc các nhóm tội phạm có trong tay dữ liệu cá nhân của người dân. Các thông tin lừa đảo quá cụ thể khiến nhiều người dân tin tưởng và trở thành nạn nhân của các đối tượng. Ngoài ra, còn rất nhiều hệ lụy, phiền toái khác từ việc dữ liệu cá nhân bị mua bán dễ dàng.

Vừa qua, nhiều phụ huynh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương… nhận được cuộc gọi báo con đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển tiền phẫu thuật gấp. Nhiều người quá lo lắng đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Toàn – Công ty Luật Vimax Asia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Pháp luật quy định rất cụ thể về thông tin cá nhân như việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin cá nhân của người khác thì phải được người đó đồng ý hay nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác... Nếu vi phạm các quy định trên thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Căn cứ theo Điểm c Khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn