MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân chơi mùa hè là điều xa xỉ đối với trẻ em (ảnh Nhật Hồ)

Hè này con học ở đâu?

NHẬT HỒ LDO | 24/07/2020 10:45

Câu hỏi tưởng chừng như rất vô duyên, nhưng làm không ít phụ huynh đau đầu. Có hàng ngàn lý do để đưa con đi học hèthay vì vui chơi giải trí. Áp lực thi cử, tuyển sinh đầu cấp khiến nhiều trẻ con không có mùa hè.

Đến hè là tìm chỗ học

Chị Nguyễn Hồng Lam (đã thay đổi tên) ngụ Phường 2, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu tâm sự: “Con tôi mới vừa thi đầu vào lớp 10 cách đây 2 ngày. Tụi nghiệp nó học bù đầu để thi vào lớp 10 nên có nghỉ ngơi gì đâu. Gia đình dự định chở cháu đi chơi, nhưng cháu không chịu, đòi tôi tìm chỗ học thêm để khi vào lớp 10 không thua bạn bè”.

Còn chị Nguyễn Thị Lý, phường 3, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu mấy ngày nay chạy đôn chạy đáo để tìm thầy luyện chữ cho con mình để chuẩn bị vào lớp 1. Chị Lý nhận định: “Cháu đã biết ráp vần hết rồi, nhưng viết còn chậm, chữ chưa đẹp, sợ vào lớp 1 không theo kịp bạn bè”.

Trẻ tự tìm sân chơi ngày hè (ảnh Nhật Hồ)

Tâm lý chung của các phụ huynh muốn cho con em mình học trước để khi bước vào các lớp đầu cấp không bỡ ngỡ, thua kém bạn bè. Có thể chính vì vậy, thầy cô muốn nghỉ ngơi, không dạy thêm cũng… khó.

Năm nay do ảnh hưởng COVID-19, nên hầu hết các lớp đầu cấp tuyển sinh trễ. Bạc Liêu vừa mới tuyển sinh vào lớp 10. Các lớp chất lượng cao do Sở Giáo dục Khoa học Công nghệ cũng vừa mới tuyển sinh. Tại Cà Mau tình trạng cũng tương tự. Tại Thành phố Cần Thơ, ngày 24.7 mới tuyển sinh các lớp đầu cấp. Chính vì vậy, thay vì nghỉ hè như các khối lớp khác, các em bù đầu ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi đầu cấp.

Xa dần sân chơi cho trẻ ngày hè

Sân chơi cho trẻ em vào những ngày hè ngày càng xa với trẻ em. Các tỉnh ĐBSCL hầu hết đều có công viên. Nhưng công viên dành cho người lớn. Các khu vui chơi giải trí cho trẻ em gần như khoán trắng cho tư nhân khai thác với quy mô nhỏ. Chị Nguyễn Thị Nga, phường 9, Thành phố Cà Mau, Cà Mau cho biết: “Hè đến, gia đình tôi đưa các cháu về quê nội, quê ngoại chơi để tụi nó trải nghiệm cuộc sống. Gia đình tôi không có thói quen cho các em học thêm ngày hè”.

Tuy nhiên, đối với gia đình cư ngụ tại thành phố nhiều năm thì có quê đâu mà về. Sân chơi cho trẻ chốn thị thành xem ra còn khó hơn ở vùng nông thôn.

Thiếu sân chơi, kỹ năng sống tai nạn trẻ em liên tiếp tăng cao (ảnh Nhật Hồ)

Thiếu kỹ năng sống dẫn đến những hệ lụy mà trẻ em phải gánh chịu khiến người lớn phải đau lòng.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến hết 3 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bạc Liêu có 15.361 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó, ngã 1.416 trẻ, bỏng: 385, súc vật cắn, đốt: 1.762, đuối nước: 53 trẻ. Số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích là 24 trẻ (đều do tai nạn đuối nước).

Trẻ em bị tai nạn thương tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm một bộ phận người lớn còn lơ là, chủ quan không thường xuyên chú ý giám sát trẻ; việc trang bị kỹ năng xử lý tình huống thoát nạn, cứu nạn cho trẻ em chưa được sâu rộng; và phong trào, hoạt động sân chơi cho trẻ còn ít, chưa phát huy hiệu quả. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và bố trí riêng khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, từ đó các em còn thiếu sân chơi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn