MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau hàng chục năm, giá trị các mặt hàng, mức sống tăng cao nhưng hệ số trượt giá tính lương hưu chỉ tăng hơn 2 lần. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Hệ số trượt giá tính lương hưu thấp khiến đồng lương ít ỏi

Mạnh Cường LDO | 18/11/2023 12:43

Sau hàng chục năm, giá trị các mặt hàng, mức sống tăng cao nhưng hệ số trượt giá tính lương hưu chỉ tăng hơn 2 lần. Đó cũng là lý do nhiều lao động đóng bảo hiểm lâu năm về hưu với đồng lương vô cùng ít ỏi.

20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng về hưu với đồng lương chỉ 2,8 triệu đồng khiến bà Phạm Thị Hồng (57 tuổi) không khỏi lo lắng. Với đồng lương này ít ỏi này, hai vợ chồng bà phải khắt khe chi tiêu mới đảm bảo cuộc sống bởi chồng bà không có lương hưu.

Lý do được bà Hồng chia sẻ là 10 năm (từ năm 2001 đến năm 2011) bà đóng bảo hiểm xã hội mức lương vô cùng thấp. Trong khi đó, mức hệ số trượt giá để tính lương hưu cũng chẳng đủ bù các chi phí sinh hoạt hàng ngày.

“Năm 2001, tôi bắt đầu làm kế toán, đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 230.000 đồng/tháng. Hồi đó có 14.000 đồng/kg thịt bây giờ lên 120.000 đồng/kg gấp gần 10 lần. Cầm 30.000 đồng thời đó mua được thức ăn 2 ngày cho cả gia đình, bây giờ không mua nổi 1 bữa ăn” - bà Hồng nói.

Hệ số tính trượt giá lương hưu bảo hiểm xã hội từ năm 2005 đến 2023 hiện hành. Ảnh chụp màn hình.

Về hệ số trượt giá, bà Hồng cho biết mức trượt giá 3,71 quá thấp so với giá cả thị trường. Nhân 230.000 đồng với 3,71 được chưa nổi 1 triệu đồng. Theo bà Hồng, không thể lấy con số này để tính lương hưu theo cách hiện hành.

Chưa về hưu nhưng công nhân Hoàng Thị Thanh (48 tuổi) đã tính trước mức lương hưu sau khi làm đủ 20 năm (4 năm nữa) của bản thân. Cứ nhắc đến lương hưu, bà Thanh lại chạnh lòng bởi tiếc cho những năm đóng bảo hiểm quá thấp.

“Năm 2007 tôi đóng bảo hiểm mức 710.000 đồng/tháng. Năm 2008 là 770.000 đồng, năm 2009 là 860.000 đồng đến năm 2010 mới tăng lên gần 1 triệu đồng. Giá gạo lúc đó 6.000 đồng/kg, bây giờ tăng lên 16.000 đồng” bà Thanh chia sẻ.

Hệ số trượt giá tính lương hưu các năm 2007, 2008, 2009 lần lượt là 2,55, 2,07, 1,94 theo bà Thanh không phù hợp. Hệ số này khiến lương hưu bà bị ảnh hưởng rất nhiều, không sát với thực tế hiện tại.

Thời gian đầu đóng bảo hiểm xã hội mua cái gì cũng rẻ thậm chí không mất tiền vì có thể xin được. Bây giờ cái gì cũng quy thành tiền, chi phí đi lại, điện, nước đều tăng cao chưa kể sinh hoạt hàng ngày. Bà Thanh cho biết năm 2007 chỉ cần 500.000/tháng là sống tốt nhưng bây giờ phải có ít nhất 3 triệu đồng/tháng.

Hệ số trượt giá chỉ gấp chưa đến 3 lần theo bà Thanh vô cùng thiệt thòi. Bởi nữ công nhân cũng phải sắm sửa quần áo, nâng cao mức sống với các thiết bị hiện đại, không phải chỉ ăn uống qua ngày. “1,5 triệu đồng/tháng cũng sống được nhưng là sống kham khổ” - bà Thanh nói.

Chia sẻ về đề xuất thay đổi hệ số trượt giá tính lương hưu, bà Thanh và bà Hồng nêu quan điểm nên dựa theo mức lương tối thiểu vùng. Ví dụ năm 2010, lương tối thiểu vùng là 900.000 đồng, bây giờ lương tối thiểu vùng 4,68 triệu đồng thì hệ số trượt giá là 5,2 (lấy 4,68 triệu chia 900.000 đồng). Như vậy lương hưu mới đáp ứng được cuộc sống theo nhu cầu hiện tại và thay đổi của xã hội.

Hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội được sử dụng để điều chỉnh mức lương của người tham gia bảo hiểm xã hội theo biến động của đồng tiền. Do đó, hệ số này đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp sự mất giá của đồng tiền. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, mức tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội của họ sẽ được nhân với hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn