MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trang Facebook cần cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác (ảnh:Thế Lâm).

Hết thời tùy tiện sử dụng thông tin cá nhân người khác trên Facebook!

Thế Lâm LDO | 15/04/2020 21:30

Trên môi trường mạng xã hội Facebook, việc đăng thông tin của người khác, tổ chức khác một cách tùy tiện cũng chính là điểm nóng trong thời gian qua. Đặc biệt trong dịch COVID-19 đang diễn ra, không ít trường hợp người dùng Facebook đã đưa thông tin về dịch bệnh không chính xác, sai lệch, không đúng sự thật liên quan đến các cá nhân, tổ chức…

Điển hình như trường hợp một ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội, đã nhiều “anh hùng bàn phím” soi mói vào cả đời tư và tung các thông tin “nghe nói” lên Facebook, khiến một dạo dư luận mạng xôn xao về nhân thân của ca bệnh này.

Tại Việt Nam hiện có trên 60 triệu tài khoản Facebook. Những thông tin đăng tải trên môi trường mạng xã hội này, gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh và cả video, trong các vụ việc nóng thường được chia sẻ rất nhanh và rất nhiều. Nhiều thông tin dù chưa được kiểm chứng về tính chính xác cũng nhanh chóng bị phát tán tràn lan. Sau khi thông tin được phát hiện là tin giả hay không chính xác, việc thu hồi thông tin đã đăng trên mạng xã hội rất khó thực hiện triệt để.

Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15.4.2020) đã có nhiều điều khoản chế tài đối với các hành vi truyền đưa thông tin và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Tại Điều 101, Khoản 1, điểm d qui định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc”.

Trong khi đó, Điều 102, Khoản 3, điểm e, chế tài đối với hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”, mức phạt tiền cũng từ 10-20 triệu đồng.

Thông tin cá nhân cần bảo mật theo phạm vi hẹp được hiểu là gồm những thông tin để nhận dạng một cá nhân nào đó, như tên, tuổi, số chứng minh/căn cước, số sổ bảo hiểm xã hội, email, số điện thoại… Ở phạm vi rộng hơn, thông tin cá nhân trong thời đại số được mở rộng thành dữ liệu cá nhân, bao gồm thông tin văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, địa chỉ IP Internet… liên quan tới cá nhân đó, còn gọi là dữ liệu cá nhân.

Đối với thông tin cá nhân ở phạm vi rộng, trên môi trường mạng xã hội đặc biệt là Facebook hiện nay, việc sử dụng dường như đang rất tùy tiện, mục đích không chỉ nhằm thông tin lại một sự việc, sự kiện, mà trong nhiều trường hợp là để đả kích, châm biếm, thậm chí xúc phạm, nhục mạ…

Đặc biệt phổ biến hiện nay là tình trạng đăng hình ảnh, video về người khác lên Facebook cá nhân hoặc các nhóm, diễn đàn. Trong nhiều trường hợp, những hình ảnh, video bị cắt xén, “chế” lại nhằm gây cười, trêu tức, hoặc cố ý làm lệch lạc nội dung so với phiên bản gốc. Tất nhiên trong các trường hợp này, các cá nhân bị thu thập hình ảnh để đăng tải tùy tiện khó mà có thể hài lòng cho được, bởi nội dung và mục đích đăng tải cũng đã khác biệt so với phiên bản đăng tải ban đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn