MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiểm hoạ trên những chuyến đò vượt sông Lô, sông Gâm (Tuyên Quang) giữa mùa mưa lũ khi người dân coi nhẹ các biện pháp đảm bảo an toàn. Ảnh: Việt Bắc.

Hiểm hoạ trên chuyến đò vượt sông khi áo phao chỉ để "trang trí"

VIỆT BẮC LDO | 25/08/2023 16:20

Tuyên Quang - Trên những chuyến đò lênh đênh vượt sông Lô, sông Gâm giữa mùa mưa lũ, cả chủ đò và người dân dường như vẫn chỉ coi chiếc áo phao như vật "trang trí", mặc dù hiểm hoạ luôn rình rập giữa dòng nước xiết.

Hiện đang là cao điểm mùa mưa lũ, lượng mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước sông Lô, sông Gâm, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dâng cao, chảy xiết. Việc này cũng tiềm ẩn những hiểm hoạ với người và phương tiện khi vượt sông bằng các loại đò, phà.

Ghi nhận của PV ngày 24.8, tại một số bến đò, phà trên sông Lô và sông Gâm, đoạn qua Yên Sơn (Tuyên Quang), mặc dù, các phương tiện trang bị khá đầy đủ áo phao, phao nổi nhưng tất cả người đi trên đò vẫn không sử dụng các vật dụng cứu sinh này và liều lĩnh qua sông, bất chấp những hiểm nguy tiềm ẩn.

Dù phương tiện đã trang bị áo phao, phao nổi nhưng lại bị ngó lơ không sử dụng. Ảnh: Việt Bắc.

Ông T.X.H (xã Lực Hành, huyện Yên Sơn) cho biết, do công việc phải di chuyển qua lại giữa xã Xuân Vân và xã Lực Hành nên thường xuyên sử dụng đò, phà qua sông Gâm.

"Mỗi ngày, bến đò chợ Xuân Vân chạy được 20-30 chuyến, nhiều chuyến, tôi cũng không thấy chủ phương tiện nhắc nhở mặc áo phao. Khách lên đò là họ cứ vậy mà xuất phát đi thôi" - ông H. nói.

Bà N.T.T (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) cho hay, bản thân dù biết khi đi qua đò, phà không mặc áo phao sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong thời điểm mưa lũ, nước sông chảy xiết.

Chỉ khi thấy có ống kính máy ảnh, chủ phương tiện mới nhắc nhở và đưa cho hành khách áo phao để mặc. Ảnh: Việt Bắc.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hành khách khi đi đò khác, đều thờ ơ không mặc bởi một phần quen việc di chuyển trên phà, không bị nhắc nhở mặc áo phao. Mặt khác, thời gian di chuyển qua sông ngắn, khoảng 5-10 phút mỗi chuyến nên chủ quan trong việc mặc áo phao.

"Lúc đông khách trên đò thì nhà đò họ mới nhắc nhở hành khách mặc áo phao, nhưng thỉnh thoảng mới nhắc thôi, bình thường cứ vậy mà đi qua sông. Nhắc nhở chỉ được một thời gian, sau đâu lại vào đấy" - bà T. cho hay.

Tình trạng người di chuyển qua sông trên đò, phà không mặc áo phao cũng diễn ra tại các bến đò trên sông Gâm (xã Xuân Vân) và sông Lô (xã Tân Long) của huyện Yên Sơn.

Gần như cả chủ và khách đi đò đều không mặn mà với những dụng cụ vốn được thiết kế để cứu tính mạng khi sự cố trên sông xảy ra.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, cuối tháng 3.2022 cũng chính tại khu vực bến đò trên sông Gâm, đoạn qua xã Xuân Vân đã xảy ra vụ lật đò làm 6 người rơi xuống sông, 4 người bơi được vào bờ và 2 người còn lại bị thiệt mạng.

Người dân thơ ơ với việc mặc áo phao qua sông mùa mưa lũ, bất chấp những hiểm nguy rình rập có thể xảy đến. Ảnh: Việt Bắc.

Ngày 24.8, trao đổi với PV, ông Triệu Ngọc Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân thừa nhận có tình trạng người dân khi đi trên phà, đò qua sông không mặc áo phao cũng như còn chủ quan, coi nhẹ các biện pháp đảm bảo an toàn đường thuỷ.

Theo vị Phó Chủ tịch UBND xã, việc người dân không mặc áo phao khi đi trên đò, phà là vi phạm quy định, quy tắc khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa.

"Các chủ đò họ đã có cam kết với cơ quan chức năng về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đò, phà. Phía địa phương sẽ kiểm tra thông tin và xử lý theo quy định.

Hiện đang trong thời gian mưa lũ, nước sông chảy xiết nên địa phương sẽ làm việc với chủ đò, phà trên địa bàn để tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo an toàn" - ông Lý thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn