MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã ĐamB’ri, nhiều cán bộ cấp xã, TP.Bảo Lộc đã bị tạm đình chỉ công tác. Ảnh: TC

"Hiến đất làm đường" biến tướng: Ý đồ xấu, thủ đoạn tinh vi nhằm trục lợi

Thanh Hải LDO | 20/10/2021 11:29

Liên quan đến việc người dân hiến đất làm đường giao thông, năm 2020 có đến 14 cán bộ ở TP.Kon Tum đã bị kiểm điểm, kỷ luật. Mới đây, tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng xảy ra thực trạng tương tự. Dân hiến đất làm đường vốn là nghĩa cử tốt đẹp nhưng sao trở nên xấu xa, vi phạm pháp luật ở những trường hợp này?

Những vụ hiến đất làm đường với ý đồ xấu được Thanh tra tỉnh Kon Tum liên tục phát hiện cuối năm 2020.

Tại phường Trường Chinh, TP.Kon Tum, ông Dương Ngọc Văn mua gom đất từ 5 hộ dân khác với hơn 13.000m2 đất nông nghiệp, sau đó xin chuyển hơn 5.000m2 sang đất ở, còn lại 7.700m2 đất nông nghiệp. Bốn tháng sau, ông này làm đơn xin hiến đất nông nghiệp để mở đường giao thông. Thực chất là để mở đường vào 5.000m2 đất ở đã xin chuyển đổi thành công của mình, nhằm nâng giá trị bất động sản.

Sau khi có đường, ông Văn tách thửa, phân lô và xây dựng hàng chục nhà ở thương mại để bán.

Ngoài ra, tại các phường Thắng Lợi, Quyết Thắng, Ngô Mây, TP.Kon Tum nhiều cá nhân cũng sử dụng thành công chiêu thức "hiến đất làm đường" để thuận lợi cho việc phân lô, nâng giá bất động sản, bán nền, bán nhà... 

Hiện nay, tại xã Đam B'ri, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng xảy ra thực trạng tương tự. Sau khi gom mua được những lô thửa lớn, các chủ đất xin hiến một phần diện tích đất nông nghiệp để mở đường giao thông, sau đó phân lô bán nền. Nổi tiếng trên mạng là "dự án" Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie Đam B'ri 1 với diện tích  36ha.

Việc hiến đất, làm đường giao thông ở các trường hợp vừa nêu không phải là nghĩa cử, là hành động tốt đẹp, xuất phát từ ý nguyện góp phần chỉnh trang khu dân cư, hay xây dựng quê hương, đất nước như thông thường. Mà các chủ đất đã giấu ý đồ mở đường chỉ vì mục đích nâng giá trị bất động sản vào khu đất của mình để bán, tăng lợi nhuận.

Điều đáng nói là những con đường mới mở này hoàn toàn không đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể... của địa phương. Không chỉ làm rối loạn giao thông, cấp thoát nước... vì thiếu khớp nối, thiếu đồng bộ, mà cả những quy hoạch dịch vụ xã hội khác về y tế, giáo dục... sẽ bị đảo lộn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng, nhất là khu vực đô thị. Chưa kể, thị trường bất động sản sẽ thiếu lành mạnh, người mua dễ "sập bẫy" khi đầu tư vào những dự án có sai phạm như thế này.

Sự tinh vi là ở chỗ, các chủ đất đã chủ động chịu "thiệt" một ít đất đai và lợi dụng, hoặc mua chuộc cán bộ để được phép làm trái quy định như vậy. Nhưng đến thời điểm này, chưa thấy cán bộ nào bị truy tố vì nhận hối lộ, tiêu cực, tiếp tay cho những sai phạm này. Tại Kon Tum, chỉ hơn 10 cán bộ bị kiểm điểm, kỷ luật, nặng nhất là cách chức...

Để không tái diễn vấn nạn "hiến đất làm đường" thiếu trong sáng, âm mưu làm đường để nâng giá bất động sản... thì cơ quan chức năng không chỉ điều tra xử lý nghiêm các vụ việc, cán bộ cố ý làm trái, mà cần tháo dỡ hết những công trình làm trái - kể cả đường. Nhất quyết không hợp thức hóa sai phạm, cho tồn tại các công trình do cố tình sai phạm mà có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn