MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
áp lực học thêm làm cho học sinh mệt mỏi ngủ gật tại lớp học (ảnh minh họa

Hiện tượng “Con người ta”

Lê Đức Trung - Khe Sanh - Quảng Trị LDO | 21/03/2016 16:36
So sánh là biện pháp nghệ thuật được các nhà văn, nhà thơ sử dụng thường xuyên và rất thành công trong văn chương mà cô giáo dạy văn của tôi thường nói. Chắc có lẽ chính vì thế mà “gen” văn chương ấy, được các thế hệ con cháu – chính là bố mẹ của những cô cậu thanh niên như tôi lĩnh hội.

 

Tôi là một nam sinh cuối cấp, chỉ còn 3 tháng 15 ngày nữa tôi sẽ là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của tôi đó là thi Đại học, mà các nhà giáo dục gọi mĩ từ là: Kì thi THPT Quốc gia. Rất lấy làm “vui thích”, khi chúng tôi chính là những con chuột bạch thế hệ F2 của kì thi “tiết kiệm” này. 

Trong lần tình cờ vào trang Youtube giải trí sau một khoảng thời gian căng thẳng với việc học tập, tôi có xem được một đoạn video với tựa đề “Con người ta”, được “chế” lại bài hát “Vợ người ta” của ca sĩ Phạm Mạnh Quỳnh thể hiện rất thành công và bất kì ai trong giới trẻ đều biết đến. Tôi cười khoái chí với hình ảnh một cậu học sinh đã lớn rồi lại thắt khăn quàng đỏ, đội mái tóc ngố và thể hiện, nhưng sau những tràng cười giảm stress ấy, tôi lại nhận ra một thông điệp rất nhân văn của đoạn video này đó là: Đừng nên so sánh giữa con mình và con người ta. 

Những đứa bạn của tôi thường than vãn rằng bố mẹ chúng nó đều thúc đốc học bài, bắt buộc đi học thêm, học bớt, thầy toán, thầy lí, thầy hóa, thầy sinh,.vân vân và vân vân, nói chung rất “lung tung xèo”. Đến lớp chỉ có nước nằm gục ở bàn, người nào còn sức lực thì nói chuyện riêng cho đỡ chán vì kiến thức cơ bản đã học trước (?!!) . 

Cũng chính vì tâm lí ỷ lại đó, kết quả học tập dĩ nhiên không hề cao, nếu không muốn nói là rất tệ. Tiếp diễn của chuỗi sự việc là bố mẹ của các bạn sẽ đem các bạn ấy đi so sánh với những người học giỏi hơn, hay đỗ vào trường đại học tốt: anh A này nhà vất vả lắm con ạ, bố thì nghiện rượu, ấy thế mà vào đại học đấy; bạn B này nhà thua xa mình, cùng một tuổi như con, nhà mình điều kiện sống tốt hơn, sao con lại học không bằng bạn ! ,... 

 Một khi liên tiếp nhận được những lời chỉ trích ấy, thì người lớn có biết chúng tôi sẽ bị mặc định ở vỏ não là mình thua kém người khác, sẽ không thể nào phấn đấu lên được nữa,.. Như một vloger nổi tiếng trên Youtube, người Hàn Quốc có tên tiếng việt là Quỳnh Chi có nhận định: Nếu ở Hàn Quốc thì bố mẹ không hề có thái độ so sánh con mình với con nhà người khác như vậy. 

 Tôi có may mắn hơn những người khác khi có bố là chuyên viên giáo dục huyện, rất tâm lí. Đã đến năm 12, song ông luôn động viên, tâm sự tôi. Và có một lời nhắn nhủ với tôi và tôi cho là rất cần để gửi thông điệp đến các ông bố, bà mẹ đang là các “thi nhân so sánh”: Mọi so sánh đều là khập khiễng !    


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn