MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị đâm tử vong vào ngày 13.5.2018. Ảnh: Trường Sơn

Hiệp sĩ tử vong khi bắt cướp: Các hiệp sĩ nên dừng lại?

Bảo Hân LDO | 17/10/2020 09:51

Thêm một vụ "hiệp sĩ" tử vong khi săn bắt cướp khiến một lần nữa câu hỏi có nên duy trì mô hình này hay không lại được đặt ra.

Vụ "hiệp sĩ" tử vong mới đây nhất xảy ra vào tối 14.10 tại thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai). Theo đó, "hiệp sĩ" Cao Võ Minh Quang (SN 1993), thành viên đội SBC Biên Hoà bị thương nặng trong lúc truy đuổi tên trộm xe máy, sau đó tử vong tại bệnh viện.

Trước đó, vào ngày 13.5.2018, hai "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị đâm tử vong trong vụ bắt băng trộm xe gắn máy SH trên đường Cách mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3).

Không thể phủ nhận cái tâm, sự đóng góp, hy sinh của những "hiệp sĩ" đường phố. Họ đều mang trong mình cái tinh thần “giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha” như Lục Văn Tiên trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.

Đó là những người bức xúc trước cảnh kẻ xấu lộng hành ngoài đường phố, cướp đi tài sản, thậm chí sức khoẻ, tính mạng, gây bất an cho người dân lương thiện.

Đó là những người bỏ dở bữa cơm ấm cúng với vợ, con để rong ruổi ngoài đường rình tội phạm.

Thực tế, các "hiệp sĩ" đã lập nhiều chiến công, phá nhiều vụ án, mang lại niềm cảm phục cho những người dân. Thế nhưng, cùng với đó là những nguy cơ mà các "hiệp sĩ" gặp phải về tài sản, sức khoẻ, tính mạng. Những "hiệp sĩ" tử vong khi săn bắt cướp thực sự là những câu chuyện đau xót.

Bên cạnh luồng dư luận ủng hộ các "hiệp sĩ" khi mà tình trạng cướp giật ở đường phố tại một số thành phố lớn vẫn còn xảy ra nhiều, gây bất an cho người dân thì có ý kiến cho rằng, các "hiệp sĩ" nên dừng lại công việc săn bắt cướp vì đây là nhiệm vụ của công an.

Lực lượng công an được trang bị các công cụ hỗ trợ, có nghiệp vụ, có quyền được trấn áp các loại tội phạm. Trong khi đó, những "hiệp sĩ" không có được những điều này.

Những hành động của các "hiệp sĩ", vì vậy, trong nhiều trường hợp sẽ rất nguy hiểm. Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng khi các "hiệp sĩ" bị thương, bị tử vong như đã nói ở trên.

Công an là lực lượng được giao nhiệm vụ để phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm đường phố. Bên cạnh đó, phòng, chống tội phạm, cần sự tham gia của toàn dân. Nếu mỗi người dân đều có ý thức phòng chống tội phạm như: hô hoán khi có cướp, ngáng đường kẻ trộm hay gọi điện thoại báo cho cảnh sát... thì đã góp phần rất lớn vào phòng chống tội phạm. Đó là sự hỗ trợ lớn của người dân với lực lượng chức năng để chống lại các loại tội phạm đe doạ đến cuộc sống an toàn của người dân.

Tuy được mọi người gọi danh xưng là "hiệp sĩ", nhưng xét cho cùng, họ cũng đều là những người dân thường. Nếu họ phải trực tiếp đối đầu với những tên tội phạm nguy hiểm, hung hãn, có vũ khí "nóng" là một điều cực kỳ nguy hiểm.

Vì vậy, có lẽ các "hiệp sĩ" nên dừng lại? Đồng thời cần có những giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của lực lượng công an trong trấn áp tội phạm đường phố.

Diệt trừ nạn trộm cướp đường phố là điều ai cũng muốn, nhưng cũng không ai muốn các hiệp sĩ phải gặp nguy hiểm, nhất là nguy hiểm đến tính mạng. Họ cũng có những người thân đang chờ đợi họ trở về mỗi ngày bên gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn