MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các công trình xâm hại hồ Đá Dựng. Ảnh: Hiếu Anh

Hồ thủy lợi bị xâm hại: Tiếng kêu cứu từ hồ Đá Dựng

Hiếu Anh - Đức Mạnh LDO | 11/01/2023 09:33
Báo Lao Động đã có bài viết về tình trạng nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu bị xâm hại. Tuy một số công trình vi phạm đã được tháo dỡ, khắc phục, nhưng tại một số địa phương tình trạng xâm hại vẫn chưa được cải thiện. Từ đơn kêu cứu của người dân, chúng tôi tìm tới địa chỉ hồ Đá Dựng, thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội...

Nước hồ như nước thải

Khác hẳn với sự trong lành của vùng miền núi, không khí quanh hồ Đá Dựng bốc lên mùi khăm khẳm vô cùng khó chịu. Nước trong hồ chuyển hẳn sang màu đen như nước thải.

Anh Nguyễn Văn Tường - người dân thôn 6 - bức xúc cho biết, dù nhà cách hồ Đá Dựng một con đường nhưng vẫn bị mùi khó chịu ảnh hưởng. Hằng ngày, gia đình anh Tường luôn phải hứng chịu mùi hôi tanh từ hồ. “Gia đình tôi như lâm vào cảnh sống dở chết dở. Quần áo phơi ngoài sân thường xuyên bị ám mùi”, anh Tường nói.

Dù vậy, gia đình anh Tường vẫn còn may mắn hơn so với nhiều hộ dân khác sống gần hồ. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Hồng - chủ Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Thung Lũng Ngọc Linh - là một ví dụ khi sống ngay cạnh nguồn ô nhiễm.

Theo ông Hồng, nước hồ trước đây luôn sạch và trong, khác hẳn hiện tại. Mùi xú uế từ hồ luôn luôn bốc lên, gián tiếp giết chết từng hơi thở, từng lá phổi của mọi người. Dù đã chi hơn 100 triệu đồng để quây tôn cơ sở của mình, gia đình ông Hồng và những nhân viên trong khu du lịch vẫn từng giờ, từng phút phải hứng chịu hơi độc, đặc biệt trong những ngày trời mưa phùn không có nắng.

Xác nhận tình trạng này, ông Đinh Hồng Quân - Trưởng thôn 6 - thông tin: “Nguyên nhân hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu. Cụ thể, ông Hiệu sở hữu 2 trang trại chăn nuôi vịt có diện tích khoảng 1ha. Trước đây, ông Hiệu chăn nuôi vịt kết hợp với một công ty nên dùng cám của doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đinh Văn Hiệu ủ thêm cá để làm thức ăn cho vịt. Chính hộ ông Hiệu đã xả thải trong quá trình chăn nuôi qua một cái ao nối trực tiếp với hồ Đá Dựng, khiến hồ chuyển màu đen và bốc mùi”.

"Thời gian qua, bà con khu vực hồ kêu ca rất nhiều. Bản thân chúng tôi cũng rất bức xúc. Thế nhưng, dù nhiều lần đến làm việc nhưng họ (hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu - PV) đóng cửa không tiếp. Hiện thôn 6 đã báo cáo chính quyền xã. UBND xã cũng đã có báo cáo cho chính quyền UBND huyện Thạch Thất nhưng đến nay chưa được xử lý" - ông Đinh Hồng Quân cho hay.

Dấu hiệu xâm lấn

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Lao Động, người dân địa phương cho biết, nằm giữa hồ Đá Dựng là đảo tròn, vốn là đất trồng rừng. Trước đây, không có đường nối giữa đảo với các vùng đất quanh hồ.

Thế nhưng, từ giữa năm 2021, chính quyền xã Tiến Xuân đã cho phép một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Phương tháo nước hồ không đúng mùa tưới tiêu để kè đá. Đồng thời, bà Phương còn xây dựng một số công trình kiên cố ngay trên mặt hồ Đá Dựng.

Một thời gian sau, xuất hiện một đường nối giữa đất liền với đảo tại vị trí khuất, lấp mặt hồ cũ, làm con đường cố định có bề rộng 3m. Con đường này cắt ngang luồng lưu thông nước chảy để làm lối đi ra đảo.

Đến tháng 1.2023, những người trên đảo tiếp tục thi công một con đường nối từ đảo đến mảnh đất của bà Nguyễn Thị Phương. Mảnh đất của bà Phương nằm ngay cạnh khu sinh thái Ngọc Linh. Phần đất của bà Phương có diện tích khoảng 700m2, vốn không có lối giao thông để tiếp cận.

Nói về lịch sử hồ Đá Dựng cũng như đảo tròn, ông Đinh Văn Dương - người có uy tín thôn 6 - kể lại: "Trước đây, đất thôn 6 xã Tiến Xuân thuộc địa phận huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Sinh sống tại đây chủ yếu là người dân tộc Mường. Năm 1960, huyện Lương Sơn tổ chức dân công lên đắp hồ thủy lợi Đá Dựng nhằm tưới tiêu cho 15ha lúa ở hạ lưu. Môi trường hồ vốn rất sạch sẽ, có thể tắm được. Từ khi hộ ông Đinh Văn Hiệu bắt đầu làm trang tại nuôi vịt, môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, cắt đi nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương".

Cũng theo lời kể của ông Dương, phần đảo tròn trên hồ Đá Dựng hình thành từ lâu. Sau này, bằng nguồn vốn tài trợ của PAM (chương trình lương thực thế giới), nhà nước tổ chức trồng cây gây rừng. Một trong những hộ dân tham gia trồng cây khi đó là gia đình ông Đinh Văn Chức (trồng rừng tại khu vực đảo tròn). Năm 2000, ông Chức sang nhượng phần đất đảo tròn cho một cá nhân ở Hà Nội, và sau đó đến tay bà Nguyễn Thị Phương.

Trong đơn kêu cứu của người dân thôn 6 cũng nêu: "Các vi phạm này đã nhiều lần được cư dân trong thôn phản ánh với công an và chính quyền xã. Tuy nhiên, chưa khi nào chính quyền sở tại trả lời cư dân về cách xử lý. Các vi phạm ngày càng nghiêm trọng và không có dấu hiệu dừng lại. Những vi phạm tại thôn 6, xã Tiến Xuân có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý, tiếp tay từ chính quyền địa phương cho một số cá nhân nêu trên...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn