MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 20 năm cầm sổ đỏ đi đòi lại đất của chính mình nhưng không thành, ông Dần và gia đình cảm thấy bất lực. Ảnh: Minh Nguyễn.

Hòa Bình: 20 năm bất lực nhìn hàng chục ha đất bị ngang nhiên chiếm dụng

Tô Công - Minh Nguyễn LDO | 13/12/2022 06:30

Một gia đình ở Hòa Bình đang bất lực trước việc hơn 20 năm bị lấn chiếm hàng chục ha đất.

Báo Lao Động nhận được Đơn cầu cứu của ông Bùi Văn Dần (SN 1962), trú tại xóm Cú, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, về việc gần 20ha đất của gia đình ông bị 6 hộ dân khác chiếm dụng hơn 20 năm nay. 

Trong đơn, ông Dần cho biết, gia đình ông được UBND huyện Lạc Thủy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 20ha đất rừng từ ngày 1.6.1996 tại xóm Cú, xã Đồng Môn huyện Lạc Thủy, nay là xóm Cú, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (sau khi sát nhập xã).

Tuy nhiên, từ năm 2001, diện tích đất trên của gia đình ông Dần đã bị xâm canh bởi 6 hộ dân khác cùng trú tại thôn Hợp Thành, xã Thống Nhất để trồng keo, nhất quyết không trả đất cho gia đình ông Dần.

 Dù có GCNQSDĐ, nhưng đất thực tế của ông Dần bị 6 hộ dân khác sử dụng hơn 20 năm qua.

Trong buổi làm việc PV Báo Lao Động, cầm trên tay tờ GCNQSDĐ mà gia đình vẫn giữ cẩn thận hơn 26 năm nay, ông Dần rất bức xúc vì gần 16ha diện tích thực trên GCNQSDĐ của gia đình ông bị 6 hộ dân khác vô tư sử dụng hết năm này qua năm khác.

Theo ông Dần, hơn 20 năm qua, đã rất nhiều lần ông đến từng nhà của các hộ dân trên để yêu cầu trả lại đất nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, ông Dần đã liên tục gửi đơn đến chính quyền địa phương, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 Các hộ dân trồng theo kiểu "tre già, măng mọc", khiến ông Dần không thể trồng trọt trên chính đất của mình.

"Nhiều người bảo tôi, đất của mình, họ chiếm thì cứ lên mà chặt, nhưng tôi không muốn xảy ra ẩu đả nên nhẫn nhịn, chờ họ thu hoạch nốt lứa cây keo rồi yêu cầu họ trả lại đất sau. Nhưng không ngờ, năm này qua năm khác, họ cứ trồng xen kẽ cây già lẫn cây non, khiến tôi không thể làm được gì" - ông Dần cho biết.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vụ việc này, ông Bùi Văn Tượng - Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy cho biết, sự việc tranh chấp đất đai của gia đình nhà ông Dần và 6 hộ gia đình khác đã kéo dài nhiều năm nay.

 Nhìn từ trên cao, diện tích đất của ông Dần phủ xanh toàn bộ bằng cây keo.

Ông Tượng khẳng định diện tích đất trên thuộc quyền sở hữu của ông Bùi Văn Dần và các hộ lấn chiếm không hề có GCNQSDĐ. Theo quy định thì thẩm quyền cấp xã chỉ hoà giải, vận động 6 hộ lấn chiếm trả lại đất, nếu không giải quyết được thì phải gửi lên tòa án để giải quyết. 

"Trước đây, đất đai đang còn thưa nhiều, ông Dần có GCNQSĐ nhưng chưa sử dụng đến. 6 hộ đang lấn chiếm thấy đất đấy nên canh tác, sau đó sử dụng đến nay mà không trả lại. 

Năm 2021, chính quyền đã giải quyết 2 lần nhưng không thành nên đã gửi TAND huyện Lạc Thủy và Tòa án đã có yêu cầu các giấy tờ có liên quan để giải quyết" - ông Tượng cho biết thêm. 

Liên quan đến vấn đề này, tháng 11.2022, TAND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định chuyển vụ án "tranh chấp quyền sử dất" giữa ông Bùi Văn Dần và 6 hộ dân về TAND huyện Lạc Thủy để giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo gia đình ông Dần, đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Về phía TAND huyện Lạc Thủy, đại diện đơn vị cho biết, đây là vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất, đồng thời có yêu cầu hủy quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền xử lý của các cấp cao hơn. Đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ của vụ kiện tụng để gửi lên TAND tỉnh Hòa Bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn