MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 cơ sở chế biến gỗ keo ven sông Đà thuộc địa bàn TP Hòa Bình. Ảnh: Anh Tâm

Hoà Bình chỉ đạo kiểm tra, xử lý xưởng keo chui do Lao Động phản ánh

Minh Chuyên LDO | 22/11/2022 09:01
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa có chỉ đạo liên quan những xưởng keo hoạt động chui mà Báo Lao Động phản ánh.

Ngày 22.11, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa có văn bản về việc kiểm tra, rà soát và xử lý theo nội dung phản ánh của cơ quan báo chí. 

Văn bản 9986 nêu rõ, Báo Lao Động có các bài phản ánh về các xưởng chế biến keo trên địa bàn tỉnh hoạt động không phép, có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, an ninh, trật tự tại các địa phương. 

Liên quan đến nội dung này, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - có ý kiến chỉ đạo như sau: 

Giao UBND các huyện, thành phố chủ trì nghiên cứu, kiểm tra đối với các nội dung cơ quan báo chí phản ánh; đề xuất các giải pháp xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả giải quyết theo quy định.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 7 xưởng keo trên địa bàn huyện Tân Lạc không đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất chế biến gỗ keo. Ảnh: Trần Trọng

Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều xưởng chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, TP Hòa Bình hoạt động trái phép, sử dụng đất sai mục đích trong nhiều năm. 

Ghi nhận tại TP Hòa Bình, có 5 xưởng chế biến gỗ keo đang hoạt động, tại phường Tân Hòa (1 xưởng), phường Trung Minh (2 xưởng), phường Kỳ Sơn (1 xưởng), xã Mông Hóa (1 xưởng).

Trong đó, có tới 4/5 xưởng nằm sát bờ sông Đà (trừ xưởng thuộc xã Mông Hóa), đặc điểm chung là đều có bến thủy nội địa để xuất hàng trực tiếp từ dây chuyền xuống các tàu.

Ngay sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh, UBND huyện Tân Lạc đã tiến hành kiểm tra, kết quả 7 cơ sở trên địa bàn huyện không đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất chế biến gỗ keo.

Đoàn kiểm tra của UBND Tân Lạc đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động sản xuất và hoạt động xây dựng, lắp đặt xưởng chế biến đối với các cơ sở nêu trên.

Bên cạnh đó, đoàn cũng chỉ ra những tồn tại khi UBND các xã nơi có các cơ sở sản xuất gỗ keo không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và dứt điểm các vi phạm của các cơ sở sản xuất.

Nhiều cơ sở không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Căn cứ trên kết quả kiểm tra, UBND huyện Tân Lạc đã giao các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn Mãn Đức xử lý hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ keo. 

Đồng thời, thực hiện quy hoạch các khu cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung để phục vụ sản xuất của nhân dân.

Về phía UBND TP Hòa Bình, đến nay, địa phương này vẫn chưa có phản hồi về các xưởng keo hoạt động trái phép trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn