MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những sai sót trong việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của Dự án 672 đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh: Khánh Linh

Hòa Bình đề xuất kinh phí hàng trăm tỉ đồng để "sửa sai" Dự án 672

Khánh Linh - Minh Chuyên LDO | 10/07/2023 13:36

Hòa Bình - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đang lập dự toán, trình UBND tỉnh chi thêm khoảng từ 200 - 300 tỉ đồng để khắc phục những sai sót trong việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của Dự án 672.

Ngày 28.4.2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 672 về việc phê duyệt Dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 8 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung bộ và 9 tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ (Dự án 672).

Tại tỉnh Hòa Bình, Dự án 672 triển khai từ đầu năm 2007, đến tháng 12.2013, dự án hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh lí, nghiệm thu sản phẩm của dự án.

Tính đến cuối năm 2013, còn hơn 45.000 GCN chưa được trao cho người sử dụng đất. Trong đó, 25.023 GCN đã cấp nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, 20.057 GCN chưa kí, đóng dấu.

Trong số 25.023 GCN đã cấp nhưng chưa trao cho người sử dụng đất, có 9.585 GCN chưa được trao cho người sử dụng đất và 15.438 GCN phát hiện sai sót.

Đối với 9.585 GCN chưa được trao cho người sử dụng đất, nguyên nhân được xác định hơn 2.600 GCN do một số hộ không đến nhận, nhờ người khác nhận thay nhưng không có giấy ủy quyền. Ngoài ra, gần 7.000 GCN đã in tên lãnh đạo UBND huyện nhưng các lãnh đạo này đã về hưu hoặc chuyển công tác.

Đối với hơn 15.000 GCN phát hiện sai xót được xác định do sai về hình thể, vị trí ranh giới, diện tích; in sai số CMND, địa chỉ, thông tin cá nhân người sử dụng đất; in sai loại đất, sai địa giới hành chính.

Lí giải nguyên nhân dẫn đến những sai sót, ông Doãn Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hoà Bình cho biết: "Tỉnh Hòa Bình có địa hình rừng núi rậm rạp, ranh giới sử dụng đất bị cây cối che khuất, địa hình phức tạp, gây khó khăn trong quá trình điều tra, khoanh vẽ bản đồ".

Theo đó, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỉ lệ 1/10.000 được thành lập trên bản đồ nền tỉ lệ 1/10.000 (khoanh khu vực đất lâm nghiệp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp được thực hiện bằng phương pháp đo vẽ ảnh hàng không; theo Thiết kế kỹ thuật – Dự toán được duyệt đo vẽ chi tiết, được thực hiện bằng phương pháp xét đoán tương quan (khoanh vẽ), đo vẽ bằng công nghệ GPS cầm tay nên sai số lớn.

Cùng với đó, theo ông Hưng, quá trình quy chủ, kê khai đăng ký cấp GCN, người sử dụng đất không chỉ được ranh giới, vị trí thửa đất trên bản đồ, kê khai không đúng tên khai sinh. Trong đó, nhiều trường hợp kê khai bằng tên con theo phong tục...

"Đối với vấn đề sai thông tin cá nhân, năm 2019, Sở TNMT đã ký văn bản yêu cầu Văn phòng đăng ký Đất đai tập trung rà soát hồ sơ của người dân, chỉnh lý lại thông tin cá nhân và trao GCN cho các hộ dân.

Gần đây, cử tri trên địa bàn toàn tỉnh cũng kiến nghị vấn đề liên quan đến đất lâm nghiệp, Sở TNMT đã báo cáo với UBND và được đồng ý với chủ trương giao kinh phí để thực hiện" - ông Hưng thông tin thêm.

Theo đại diện Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, hiện UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, giao cho Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất của Sở TNMT. Kinh phí dự kiến có thể lên đến khoảng vài trăm tỉ đồng.

Cùng với đó, trong trung tuần tháng 7, Giám đốc Sở TNMT sẽ ký kế hoạch để thực hiện việc đo đạc lại diện tích đất lâm nghiệp trên toàn tỉnh. Đến năm 2030, 100% đất lâm nghiệp được lập hồ sơ và cấp GCN quyền sử dụng đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn