MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hòa Bình: Lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp để bán tài nguyên

Khánh Linh LDO | 31/03/2022 12:56
Hoà Bình - Lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp, hàng nghìn mét khối tài nguyên ở huyện Yên Thủy đang được bán đi để kiếm lời. 

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác đất

Báo Lao Động nhận được phản ánh về việc tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình đang diễn ra hoạt động khai thác đất gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Ngày 30.3, theo ghi nhận thực tế của PV, lối vào khu mỏ đất nằm giáp ngay mặt đường Hồ Chí Minh như một “đại công trường” với các loại máy móc và xe cộ hoạt động rầm rộ. 

Mỗi ngày, có đến trăm lượt xe ra vào khu vực  xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình để lấy đất. Ảnh: Khánh Linh.

Bà Bùi Thị Nhi (sống gần khu vực khai thác đất) cho biết: “Hoạt động khai thác này đã diễn ra từ cuối năm 2021, mỗi ngày có đến trăm lượt xe ra, vào để lấy đất". 

Theo bà Nhi, xe chạy cả ngày lẫn đêm, lại che chắn sơ sài làm đất rơi vãi đầy đường. Ngày nắng thì bụi bẩn, mưa thì trơn trượt nhếch nhác. 

“Thi thoảng mỏ đất có tưới nước cho đỡ bụi, nhưng chẳng được bao lâu vì tưới xong xe lại chạy trở lại. Thậm chí, tưới xong đường còn bẩn hơn” - bà Nhi cho biết thêm. 

Cùng chung nỗi bức xúc, anh Bùi Văn Tiến nói: “Khổ nhất là mỗi lần đi phía sau xe chở đất, chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận hít no bụi.

Khi trên đường quay về công trình, nhiều xe còn lao bạt mạng gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là các cháu học sinh trên đường đi học về". 

Văn bản cấp phép của UBND tỉnh Hoà Bình  

Cải tạo đất nông hay khai thác tài nguyên? 

Theo tìm hiểu của PV, ngày 3.12.2021, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép số 47/GP-UBND về việc khai thác đất san, lấp (Công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy) với người đứng tên giấy phép là hộ gia đình bà Bùi Thị Em.

Vị trí khai thác tại xóm Hợp Nhất diện tích 10.000m2, khối lượng đất dôi dư cần vận chuyển ra ngoài là 56.222m3.

Văn bản này nêu rõ, phần đất dôi dư được vận chuyển phục vụ cho dự án Xây dựng thao trường huấn luyện Trường sĩ quan chính trị tỉnh Hòa Bình (có địa chỉ tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn).

Theo ghi nhận, phần lớn những chiếc xe sau khi lấy đất sẽ được vận chuyển về khu vực Hà Nội hoặc cho xuống tàu tại sông Bôi.  

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp chỉ là cớ để các đơn vị tại đây khai thác tài nguyên mang đi tiêu thụ.

Lần theo những chiếc xe tải chở đất, PV đã tận mắt chứng kiến hành trình của những chiếc xe này không đến đúng nơi đã ghi trong giấy phép.

Một số xe sẽ vận chuyển đất về khu vực Tế Tiếu, Vân Đình (huyện Mỹ Đức, Hà Nôi), số khác thì vận chuyển về bến thủy nội địa tại sông Bôi (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). 

 Xe tải mang BKS 29H-726.91 đang lùi vào bến thủy để đổ đất. 

PV đã theo chân chiếc xe tải mang BKS 29H-726.91, vào 14h15 ngày 30.3 sau khi lấy đất từ mỏ đất (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy), chiếc xe này di chuyển trên đường Hồ Chí Minh. Tiếp đó  rẽ vào Quốc lộ 21 hướng về phía thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy. 

Sau gần 30 phút di chuyển, chiếc xe này đã đến một bến thủy nằm tại khu vực hẻo lánh gần thị trấn Chi Nê và đổ đất xuống thuyền đã chờ sẵn từ trước.

Đặc biệt, tại khu vực bến thủy luôn có người trông coi và không cho người ngoài tiếp cận. 

Qua tìm hiểu được biết, đất sau khi đổ xuống những con tàu này sẽ được chở về tỉnh Thái Bình phục vụ việc sản xuất gạch. 

Theo một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại Lạc Thuỷ (gần nơi đổ đất xuống tàu), thông thường đối với mỗi xe đất có tải trọng khoảng 30m3, loại đất đổ xuống tàu có giá gần 60.000 đồng/m3. Như vậy mỗi xe đất có thể thu về giá trị gần 2 triệu đồng. 

Khu vực khai thác đất như một "đại công trường", những quả đồi bị đào bới nham nhở 

Cũng theo ghi nhận của PV, không chỉ chở đất đi bán, đơn vị thi công còn có dấu hiệu khai thác lượng đất vượt quá mức cơ quan chức năng cho phép. 

Cụ thể, giấy phép quy định diện tích khai thác chỉ khoảng 10.000 m2, nhưng theo quan sát bằng hình ảnh thực tế từ trên cao, diện tích khai thác đã lên đến nhiều ha. 

Trao đổi với PV, ông Vũ Minh Toàn, Trưởng Phòng TNMT huyện Yên Thủy cho biết: “Thẩm quyền xử lý lý vấn đề vận chuyển phần đất dôi dư sau khi cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp không đúng như giấy phép là của Sở TNMT tỉnh Hoà Bình". 

Theo ông Toàn, Phòng TNMT chưa nhận được phản hồi nào về đơn vị thi công vượt ra ngoài diện tích cho phép. 

"Nếu có việc này thật thì chúng tôi sẽ yêu cầu tạm dừng thi công và báo cáo Sở TNMT xử lý theo quy định” - ông Toàn khẳng định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn