MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoạt động ngoại khoá cần thiết thực, tránh phô trương, lãng phí

ThS Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum LDO | 08/04/2023 13:00
Thời gian gần đây, hoạt động ngoại khoá, dã ngoại của học sinh được tổ chức khá rầm rộ. Hoạt động này được tổ chức không chỉ ở cấp học phổ thông mà từ bậc học mầm non cho đến đại học, sau đại học.
Chương trình ngoại khoá được thông báo trên trang web của trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đây là vụ việc được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua khi giáo viên chủ nhiệm được 10.000 đồng trên mỗi học sinh đồng ý đi ngoại khóa. Ảnh: Chân Phúc

Hoạt động ngoại khoá có ưu điểm là mang lại sự trải nghiệm cho học sinh, nhất là trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc cũng như mở mang kiến thức thực tiễn đa dạng, phong phú của đời sống xã hội đương đại...

Tuy nhiên, hoạt động ngoại khoá thời gian qua ở một số địa phương đang bị lạm dụng, phô trương hình thức, thiếu thiết thực, thậm chí gây lãng phí, tốn kém.

Đặc biệt đã xuất hiện tình trạng vụ lợi, tiêu cực trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá như đơn vị tổ chức câu kết với trường học kê thêm chi phí không hợp lý hoặc trích hoa hồng trái quy định từ tiền đóng góp của học sinh...

Hoạt động ngoại khoá là kết hợp giữa nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và khả năng tổ chức, đáp ứng của nhà trường, có sự phối hợp của các đơn vị tổ chức.

Do đó, nhiều nơi chỉ vì mục đích của một bên là không hợp lý. Đặc biệt là tình trạng bắt buộc, gò ép học sinh phải tham gia các hoạt động ngoại khoá, dã ngoại nhằm mục đích vụ lợi thì sẽ không lại hiệu quả, phản giáo dục và gây ra những hệ lụy xấu cho cả học sinh lẫn nhà trường và xã hội.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, siết chặt hoạt động ngoại khóa, dã ngoại. Theo đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá, dã ngoại cần phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ như xây chương trình, kế hoạch cụ thể chi tiết, nhất là phần về địa điểm, kinh phí, thời gian...

Kế hoạch tổ chức phải được sự thống nhất, đồng thuận của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên phê duyệt, kiểm tra, theo dõi của các bên, nhất là phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, kinh phí tổ chức các hoạt động ngoại khoá nên được bố trí trong kinh phí hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Điều này hạn chế tối đa đóng góp của học sinh, tạo sự chủ động cho nhà trường và tránh sự tùy tiện huy động đóng góp, tổ chức tràn lan dẫn đến tiêu cực trong hoạt động này.

Có như vậy, hoạt động ngoại khoá, dã ngoại mới thật sự đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả thiết thực, giúp học sinh có được trải nghiệm thực tế; giáo viên và học sinh có được những kỷ niệm đẹp, ý nghĩa bên nhau trong những năm tháng tuổi học trò. Đồng thời, điều đó sẽ làm các hoạt động ngoại khoá nhẹ nhàng hơn, vui tươi và có ý nghĩa hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn