MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với hệ sau đại học, đến các bác sĩ cùng còn e dè với mức học phí tăng của ĐH Y dược TPHCM. Ảnh: BVĐN

Học phí đại học y, dược tăng, bác sĩ còn e ngại huống gì sinh viên

THUỲ TRANG LDO | 09/06/2020 13:30

Thông tin ĐH Y dược TPHCM tăng học phí gấp 3 đến 5 lần với hệ đào tạo đại học không chỉ khiến các bạn chuẩn bị làm tân sinh viên giật mình mà ngay cả các y bác sĩ đang có ý định học cao học tại đây cũng e ngại. Bởi, không chỉ lo xoay sở tiền sinh hoạt thì nay họ phải đắn đo thêm cả về mức học phí tiền trăm triệu mỗi năm.

Theo đề án tuyển sinh của  Đại học Y Dược TPHCM, mức học phí năm học 2020 - 2021 này tăng từ 3-5 lần so với mức học phí cũ. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%.

Tuy nhiên, không chỉ bậc cử nhân, học phí đào tạo sau đại học từ chuyên khoa 1, thạc sĩ đến chuyên khoa 2, nghiên cứu sinh…. cũng sẽ "nương" theo mức học phí này mà tăng vụt, từ vài chục triệu lên hơn trăm triệu mỗi năm.

Anh Nguyễn B., bác sĩ tại một bệnh viện ở Đà Nẵng đang theo học chương trình chuyên khoa 1 tại ĐH Y dược TPHCM cho biết. Theo mức tăng mà nhà trường vừa công bố, học phí của một số ngành đào tạo cao học sẽ tăng từ 20 triệu đồng/năm lên thành 140 triệu/đồng/năm.

“Như vậy, học phí tăng gấp 7 lần chứ không phải 3 hay 5 lần như các bạn sinh viên. Đây là một số mà đến bác sĩ như chúng tôi, dù đi học vẫn nhận lương nhưng cũng phải e ngại huống gì sinh viên” – anh B. chia sẻ.

Được biết, hiện nay các cơ sở y tế trên cả nước vẫn thường xuyên đưa các bác sĩ đi đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, ngoài diện bác sĩ được cử tuyển đi học, được đài thọ học phí thì nhiều bác sĩ hiện nay đang đi học theo diện tự chi trả.

“Chúng tôi vẫn được nhận mức lương cơ bản khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng chi phí sinh hoạt mỗi tháng tại TPHCM hiện nay, mỗi bác sĩ đi học cũng mất trên dưới 10 triệu đồng/người, bao gồm tiền trọ, tiền ăn, sinh hoạt khác. Điều này đồng nghĩa với việc hoặc chúng tôi vẫn phải “xin” tiền gia đình chẳng khác nào thời sinh viên, hoặc phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống trong thời gian 2 năm học cao học” – anh B. giải thích thêm.

Trong khi đó, có cách nhìn khác về vấn đề này, chị Lê H., một bác sĩ đang học chuyên khoa 1 tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho rằng, việc tăng học phí tại các trường đại học dù là đào tạo bất kì ngành gì cần phải nhìn nhận về chất lượng đào tạo.

“Học phí đào tạo y khoa tại nhiều nước trên thế giới rất cao. Nhiều sinh viên thậm chí vay tiền để đi học. Chưa kể, có những khoá học ngắn hạn tại các nước chỉ trong 3 đến 4 ngày nhưng có mức học phí đã là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, song hành cùng học phí là chất lượng đào tạo mà họ mang lại. Trong khi đó tại Việt Nam, việc tăng học phí chỉ được giải thích đơn giản là vì trường chuyển qua tự chủ là chưa ổn.

Tôi đồng tình với việc tăng học phí nhưng các trường phải cho thấy sự tăng chất lượng đào tạo. Đơn cử như sinh viên y khoa phải có phòng thực hành, được đào tạo tốt hơn so với hiện tại, lúc đó thì tăng bao nhiêu cũng xứng đáng” - chị H. chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn