MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học phí tăng khiến phụ huynh tăng nỗi lo, học sinh không dám chọn trường

HỒNG ANH LDO | 16/05/2023 09:30

Trong năm học 2023 - 2024 tới đây, nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí thêm 10 - 20%. Việc này khiến không ít các sinh viên, phụ huynh lo lắng; còn học sinh cuối cấp thì đắn đo không dám chọn trường. 

Không biết xoay xở ra sao 

Có hai con học lớp 9 và lớp 12, đều chuẩn bị bước vào kì thi chuyển cấp quan trọng, chị Đỗ Thị Dung (SN 1974, Tiền Hải, Thái Bình) như "ngồi trên đống lửa". Đặc biệt, những ngày qua chị Dung và chồng hay tin nhiều trường đại học tăng mức học phí. Anh chị đều lo lắng, chưa biết xoay xở ra sao.

Anh Hòa - chồng chị Dung làm công nhân trong một xưởng đồ gỗ. Xưởng này gặp nhiều trục trặc, khó khăn nên anh Hòa ít việc. Thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng.

"Cả 2 con đều cuối cấp, các khoản phải chi tiêu nhiều hơn. Bây giờ điện nước, dịch vụ, lương thực thực phẩm, chi phí sinh hoạt ở thành phố rất đắt đỏ. Vậy nên việc các trường tăng học phí gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt là với những gia đình có thu nhập thấp như chúng tôi", chị Dung chia sẻ.

Là giáo viên tin học tại một trường cấp 3 tại Hà Nội, anh Tạ Hoàng An có nhiều nỗi lo khi con gái anh dự định nộp hồ sơ vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Anh Tạ Hoàng An bày tỏ lo lắng khi ngôi trường con gái anh nộp hồ sơ sẽ tăng học phí. Ảnh: Hồng Anh.

Theo anh An tìm hiểu, mức học phí trong năm 2022 - 2023 của hệ chất lượng cao là 15 - 17 triệu đồng/học kỳ, nhưng vào năm học sau sẽ tăng tới gần 40 triệu đồng/học kỳ. Mặc dù đây là một ngôi trường có cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy hàng đầu, vợ chồng anh vẫn phải đắn đo, cân nhắc chưa dám cho phép con theo bởi điều kiện kinh tế của gia đình anh hiện nay chưa đáp ứng được. 

Cần cân nhắc bài toán học phí

Anh An đồng tình với việc tăng học phí, song cũng nhận định không phải ai cũng đủ điều kiện nuôi con ăn học. Việc các trường đồng loạt tăng học phí có thể sẽ bỏ sót những người trẻ có năng lực và đam mê nhưng không đủ khả năng kinh tế vì ngày càng nhiều bạn học sinh lựa chọn từ bỏ việc học đại học để đi theo con đường khác.

Còn với chị Dung, gia đình chị đã và đang phải kiếm thêm việc làm, tăng thời gian lao động để có thêm tiền trang trải học phí cho hai con. Thấu hiểu những vất vả của cha mẹ, con trai lớn của chị cũng suy xét lựa chọn những trường có học phí thấp hơn như cao đẳng hoặc trung cấp nghề.

"Cha mẹ nào cũng muốn dành mọi điều tốt đẹp cho con, chúng tôi sẽ cố gắng để lo cho con ăn học đầy đủ. Nhưng cũng rất khó khăn để đáp ứng được hết nhu cầu của các con", chị Dung nói.

Học phí tăng không chỉ là nỗi băn khoăn khi lựa chọn nguyện vọng của các bạn học sinh cuối cấp và các bậc phụ huynh mà còn là áp lực chung của nhiều sinh viên trẻ. Dù đã biết trước việc học phí tăng theo lộ trình mỗi năm nhưng sinh viên vẫn không khỏi lo lắng khi nghe tin về mức học phí mới. 

Hải Minh, sinh viên năm 3 Đại học Luật Hà Nội, tâm sự: “Trong năm tới học phí hệ chuẩn tăng từ 280.000 đồng/tín chỉ lên 685.000 đồng/tín chỉ. Tôi và nhiều sinh viên đều rất hoang mang".

Hải Minh làm việc viết content kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hồng Anh.

Hiện nay, mỗi tháng, Hải Minh phải chi 5 - 6 triệu đồng cho tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền xăng xe, chi phí sinh hoạt. Để có số tiền sinh hoạt, ngoài tiền bố mẹ chu cấp, Hải Minh đã đi làm thêm các công việc partime.

Sắp tới bố mẹ nghỉ hưu, dưới Hải Minh còn em trai đang học cấp 2, Hải Minh gặp khó khăn trong việc xoay xở tiền học phí và các chi phí khác. Đặc biệt là trong thời điểm nữ sinh phải gác chuyện làm thêm để đi thực tập. 

Song song với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và cải thiện cơ sở vật chất thì các trường cũng cần cân nhắc đến tài chính của những người đang và sẽ có ý định theo học.

Đề án tuyển sinh cần công khai, minh bạch rõ ràng về mức học phí để phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn