MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã có 8 tỉnh thành miễn 100% học phí năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Học phí vẫn giữ nguyên như năm học 2021-2022, điều gì xảy ra?

QUANG ĐẠI LDO | 06/11/2022 13:01

Trong bối cảnh người dân còn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, việc tăng học phí lên nhiều lần tác động không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình.

Theo thông tin từ báo chí, Bộ GDĐT vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số thông tin thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo;  trong đó có nội dung học phí đại học năm học 2022-2023. Chính phủ giao Bộ GDĐT xây dựng Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Theo đó, với học phí các trường đại học công lập, Nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022.

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí của năm học 2021-2022.

Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận. Nếu Nghị quyết với nội dung như trên được ban hành, đồng nghĩa với việc học phí mọi cấp học chưa tăng, người dân giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, việc tạm hoãn áp dụng mức học phí mới cũng gây ra rất nhiều hệ lụy. Sau khi Nghị định 81/2021 về mức học phí mới ban hành, rất nhiều địa phương theo lộ trình đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn triển khai thực hiện.

Năm học mới đã diễn ra 3 tháng, nhiều trường đã hoàn thành mức thu học phí. Ngân sách địa phương cũng đã tính toán, cân đối theo mức thu học phí mới. Nay phải điều chỉnh, rất cồng kềnh, phức tạp. Tất cả các Nghị quyết của các địa phương hướng dẫn thi hành Nghị định 81/2021 cũng phải điều chỉnh, thay đổi.

Điều đáng nói là sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, kinh tế khó khăn, rất nhiều gia đình mất người thân, kiệt quệ do dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, mức học phí mới tăng cao nhiều lần so với mức cũ, trong khi tình trạng lạm thu vẫn diễn biến phức tạp, làm người dân bức xúc.

Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hầu hết các gia đình trong xã hội cần được tiến hành trên cơ sở dữ liệu khoa học và phù hợp với thực tế, tính toán đến các tác động xã hội nhiều chiều.

Với mức thu học phí cũ, mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn hoạt động bình thường, về thành tích không thua kém những năm trước.

Vậy cơ sở nào để tham mưu tăng học phí lên gấp nhiều lần? Mức học phí tăng, mức lương giáo viên và chất lượng giáo dục có tăng lên ở mức tương ứng?

Một văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia cần bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, không thể hôm nay ban hành, mai sửa, ngày kia hoãn, điều chỉnh.

Do đó, cần rà soát lại một cách chặt chẽ quy trình tham mưu xây dựng quy định khung học phí mới, chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn